Sài Gòn vốn nổi danh là thành phố không bao giờ ngủ
Vì cả khi về đêm vẫn còn có thể nghe thấy nhiều âm thanh khác nhau. Nào là tiếng mì gõ cộc cộc, tiếng rao đủ loại từ những gánh hàng rong nào là gánh bún, gánh bánh và có cả tiếng xe của mấy anh “giang hồ hảo hán” ầm ầm rít gió làm xôn xao cả một con đường.
Người Sài Gòn tình thương mến thương lắm
Lúc nhỏ tôi cứ nghĩ Sài Gòn là của người Sài Gòn thôi không phải chia sẻ cho ai cả. Nhưng lớn lên tôi mới biết đây còn là nơi sinh sống của những người dân tứ xứ đến để lập nghiệp kiếm kế mưu sinh lo cho gia đình.
Cũng vì lớn lên trên mảnh đất phồn hoa này tôi mới thấm được cái tình của người dân sống ở đây. Họ nghĩa tình, vui vẻ và hào hiệp biết bao nhiêu. Tôi nhớ có lần chạy xe bị lạc ở tít bên quận Thủ Đúc, tôi hỏi một cô bán hàng nước, cô chỉ dẫn tận tình cho tôi còn dặn đi dặn lại mấy lần cứ sợ tôi quên. Tôi cười hì hì vâng vâng dạ dạ rồi cảm ơn cô tôi đi. Chạy được một hồi tôi vô tình lạc qua đường một chiều,chạy miết mà không thấy chỗ quay đầu xe đâu hết, tôi rất hoảng loạn và lo lắng. Rồi có một chú xe ôm gần đó thấy tôi đang loay hoay tìm đường thì chạy lại hỏi tôi, tôi bảo tôi đi lạc đường. Chú ồ lên một tiếng rồi chỉ đường cho tôi một cách nhiệt tình đến độ “ Con đi theo chú, chú chỉ chỗ quay đầu đi lại đường đúng nè, chứ đường này dễ bị lạc lại lắm!”.
Có những điều họ cho đi mà không cần nhận lại
Không hiếm để thấy ở mảnh đất Sài Gòn này một cái “bệnh” ham làm việc thiện. Người ta hay nói đùa rằng, cứ 1 mét vuông ở Sài Gòn lại mọc lên một dịch vụ từ thiện. Hết trà đá miễn phí đến vá xe miễn phí, hết tặng cơm từ thiện đến bánh mì từ thiện, nơi thì phát áo gió cho người vô gia cư, chỗ thì bày áo trẻ em để các ông bố bà mẹ đem về làm quà cho con. Người Sài Gòn làm từ thiện sáng tạo. Cái gì mà người khác đã làm rồi, họ sẽ làm lại theo cách mới hơn, và lan tỏa toàn thành phố, để đảm bảo bà con lao động ở khu vực nào cũng cảm thấy ấm áp nghĩa tình.
Dân tứ xứ dắt nhau lên đây mưu sinh đều có hội đồng hương
Hiếm có thành phố nào nhiều xóm nhiều hội đặc trưng như Sài Gòn, hội tương tế, hội đồng hương, xóm ve chai Bình Định, xóm vé số Phú Yên. Dân tứ xứ dắt díu lên Sài Gòn mưu sinh rồi tụ về một khu vực nhất định. Người Sài Gòn không ai soi mói, không kỳ thị hay coi thuờng ai cả. Ai chê người Sài Gòn phức tạp thì chê chứ Sài Gòn chẳng bao giờ chê bai hay xem thường ai đâu. Sài Gòn chấp hết, miễn ăn ở sao “coi được” là được!
Bà con lao động đủ mọi vùng miền ở Sài Gòn, họ không chỉ cảm thấy yêu, mà còn biết ơn mảnh đất nghĩa tình hào hiệp này, vì đó là nơi người ta có thể làm lại mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Dù giàu hay nghèo, giỏi hay dở, mọi người đều có thể cắm rễ ở Sài Gòn rồi tìm cách đơm bông kết trái. Bà con vô Sài Gòn lập nghiệp, nhờ Sài Gòn mà có nhà cửa, có cái ăn cái mặc, có tiền gửi về nuôi con cháu dưới quê. Rồi con cháu họ lớn lên lại vào Sài Gòn ăn học, đi làm, cất nhà cửa, đón người thân lên sinh sống, và cảm thấy mình đã trở thành người của thành phố này, để lại tiếp tục duy trì cốt cách hào hiệp, thuần phác Sài Gòn với lớp trẻ về sau.
Người Sài Thành giản dị, mộc mạc từ cách nói chuyện đến trang phục
Dân nhập cư lâu năm sinh sống ở Sài Gòn nhận xét, nhiều người Sài Gòn gốc sống đơn giản, họ giản dị từ cách sống đến cách ăn mặc, hồn nhiên như bà con vùng quê Nam Bộ nhưng cốt cách vẫn văn minh lịch lãm. Đàn ông sau giờ làm thường tụ tập cà phê hay nhậu nhẹt nhưng lúc nào họ cũng chừa đường về nhà với vợ con. Đàn bà con gái đi mua sắm cũng tùy hứng, có lúc thấy cái áo hàng hiệu trong shop đẹp quá tạt vô mua cho bằng được, hôm sau ra chợ thấy cái váy đơn giản mà xinh xinh cũng “rinh” về luôn. Toàn thân từ trên xuống dưới “nửa hiệu, nửa chợ”, thích thì mang guốc, không thích thì mang ba-ta, có hôm lười lười xỏ luôn dép lào tung tăng dạo phố, hổng sợ ai đánh giá dè biểu gì hết!
Xa Sài Gòn không ai không nhớ đặc sản "kẹt xe" ở đây
Một đặc sản của Sài Gòn là kẹt xe, giờ cao điểm ra đường chẳng khác nào lạc vào Thiên Môn Trận. Muốn luồn lách khỏi đám kẹt xe giờ tan tầm thì chịu khó để ý chút, một con đường ở Sài Gòn có đến hàng chục cái hẻm bát quái, cứ thấy ai đi tiên phong “xé lẻ” quẹo vô hẻm là biết thể nào cũng có đường ra, cứ bám đuôi theo mà chạy. Riết thành quen, cứ giờ cao điểm là người dân trong hẻm bắc cái ghế ra ngồi trước nhà, ai chạy vô mà ngó nghiêng không biết đường là giơ tay chỉ trỏ cho đến khi người ta ra được đường lớn mới thôi. Có mấy vị “hảo hán” thỉnh thoảng không biết đường cũng lăm lăm tách khỏi đám đông, hùng hồn quẹo vô hẻm. Đoàn người tưởng được mở đường cũng xông vô hẻm nuối đuôi, 5 phút sau thấy người người lật đật quay đầu xe, còn cái ông “xúi bậy” thì cười hề hề với cả bọn: “Tui chạy đại chớ có biết đường ra đâu, ai kêu đi theo chi?”.
Người ta nói, lúc buồn thì xách xe chạy loanh quanh Sài Gòn, bắt chuyện với chú xe ôm, cô ve chai, bà tàu hũ… để nghe họ kể rổn rảng bao nhiêu chuyện lặt vặt Sài Gòn với rất nhiều điều thú vị mà đến dân “chính gốc” có khi còn chưa biết. Đi nhiều, nghe nhiều, mới ngỡ một điều: Hóa ra thành phố này còn quá nhiều điều để yêu và để nhớ!