Người họa sĩ già và những bức tường cũ của Sài Gòn

21/01/2019   2.012  5/5 trong 2 lượt 
Người họa sĩ già và những bức tường cũ của Sài Gòn
Chiếc xe đạp lướt trong đêm, bóng người họa sĩ già đi ngang qua phố. Chiếc cọ, thùng sơn là bạn, ông lặng lẽ riêng mình tô điểm cho những con phố rực rỡ sắc màu.

Họa sĩ Nguyễn Văn Minh (76 tuổi, quận 4, TP.HCM) đã dùng đường cọ, nét màu của mình để tô vẽ cho phố phường Sài Gòn từ bốn năm qua.
 
Tết Kỷ Hợi sắp đến, hẻm 64 Nguyễn Khoái (quận 4) có thêm một bức tranh mừng năm mới ngay đầu hẻm. Bức tranh với những cành đào, cành mai đang bung hoa, những đứa trẻ nô đùa đón xuân mới.
 
Ông Minh đã dành một tuần biến bức tường khô khốc thành một khung cảnh tươi đẹp. Ông Nguyễn Văn Thuận (62 tuổi), người sống đối diện bức tường đó gần trọn đời mình, cho biết chưa khi nào ông thấy con hẻm đẹp đến vậy.
  • Những con hẻm thay đổi

    Những con hẻm thay đổiNhững con hẻm thay đổi

    Từ ngày bức tranh được họa sĩ Minh vẽ nên, ông Thuận bảo người dân không còn thả rông chó phóng uế nữa, ông Thuận sẽ có một cái tết thật sự ý nghĩa. "Không gian sạch hơn, tết cũng tươm tất hơn. Năm nay con cháu đến chúc tết cũng có không gian vui đùa, chụp ảnh. Tất cả là nhờ ông Minh" - ông Thuận chia sẻ.

    Hẻm 64 Nguyễn Khoái chỉ là một trong rất nhiều con hẻm ở khắp thành phố này được đôi bàn tay nghệ sĩ của ông Minh tô điểm đón tết. Trên chiếc xe đạp cũ, mỗi ngày ông Minh mang theo cọ, sơn và một chiếc thang rảo bước khắp nơi, dùng đôi tay tài hoa của mình góp thêm cho cuộc sống một không gian mới.

    Ông bảo gần tết thì công việc nhiều hơn, không phải ai trả công hay ép ông làm việc này mà bản thân ông muốn vậy. "Tôi chỉ mong muốn mọi người có một cái tết trong không gian đẹp hơn" - ông nói.

    Mới đó mà hành trình rong ruổi với cọ vẽ trên những bức tường của ông Minh trôi qua được bốn năm. Trừ ngày mưa và những lúc trời trở gió khiến ông không thể cầm cọ được, còn lại ngày nào ông Minh cũng lặng lẽ cống hiến cho đời chút màu nghệ sĩ.

    Những bức tranh tường trong hẻm phố của ông Minh luôn phảng phất hình ảnh của Đà Lạt: hồ Xuân Hương, đồi thông, cao nguyên...

    Ông Minh rất đa tài, chơi được mấy loại đàn. Thời gian buổi chiều ông đi dạy võ cho trẻ mồ côi ở một trung tâm tại quận 4. Ông tâm sự: "Tôi biết võ, vẽ tranh tường, tranh trên kiếng, chơi đàn... Nhưng tôi yêu nhất là vẽ, cái nghề cầm cọ tưởng bỏ đi từ thời trẻ, ai ngờ nó quay lại khi tuổi ngoài 70 tuổi. Tôi vẽ cho phố đẹp hơn và làm mình vơi bớt nỗi nhớ Đà Lạt".

    Ông trở lại với cây cọ từ một lần lang thang cách đây bốn năm trong một đêm mất ngủ. Thấy bức tường nơi tiệm cà phê của bà Liên bị bôi bẩn, ông "lén" mang cọ và sơn cùng thang đến vẽ tranh lên bức tường khi phố xá không còn ai.

    Lúc vẽ xong ông Minh rất lo lắng vì "sợ sáng người ta thấy thì phản đối". Nhưng không ngờ ai cũng trầm trồ vì thấy bức tường thay đổi với bức tranh đẹp.

    "Khi biết chú Minh là người vẽ tranh trên tường, ai cũng bất ngờ rồi cả xóm nói chú cứ vẻ thoải mái" - bà Liên kể. Cái duyên với tranh tường bắt đầu từ đó, xui khiến ông vẽ vòng vòng trong hẻm mình ở rồi sau đó sang các hẻm khác.

    Chính quyền địa phương thì lại ủng hộ tinh thần của vị họa sĩ già. Từ đó đến nay, ông Minh đến đâu cũng được người ta đồng tình cho vẽ.

  • Hạnh phúc của người vẽ tranh tường

    Hạnh phúc của người vẽ tranh tườngHạnh phúc của người vẽ tranh tường

    Bức tranh đầu tiên ông Minh vẽ trên tường vẫn còn nguyên vẹn, trở thành chỗ tụ tập trò chuyện của người dân. Mỗi năm ông Minh lại sơn sửa lại cho mới. Con hẻm từng chỉ là lối đi lại của cư dân giờ đón thêm những vị khách đến tham quan, chụp ảnh.

    Những du khách quốc tế mang con hẻm đi xa hơn, khi truyền thông Hàn Quốc, Mỹ... tìm đến gặp gỡ người nghệ sĩ già. "Thỉnh thoảng tôi vẫn đón khách ghé tới cho sơn, rồi trò chuyện. Tôi thấy hạnh phúc vì điều ấy" - ông Minh nói.

    Hiểu được giá trị đơn giản của hạnh phúc nên tranh của ông ngoài những câu chuyện còn có cả thông điệp như: "Giàu chưa phải hạnh phúc, hạnh phúc mới là giàu", "Hãy cố vươn lên mà sống", "Có một nơi để về đó là nhà. Có những người để yêu thương đó là gia đình. Có được cả hai đó là hạnh phúc"...

    Ông Minh muốn những thông điệp của mình sẽ giúp các bức tường không còn bị bôi bẩn bởi những quảng cáo cho vay trả góp, những nét vẽ bậy. "Có những nơi trước khi vẽ là nơi chứa rác, từ ngày tôi vẽ tranh, chẳng thấy ai bỏ rác nữa. Chắc họ sợ bẩn tranh, phụ công tôi" - ông Minh nói.

    Người nghệ sĩ già vẽ nhiều nhất vào ban đêm khi trời mát, xe cộ ít và người qua không nhiều. Đó là lúc ông cảm nhận đầy đủ nhất về một Sài Gòn đã cho ông nương náu.

    Sài Gòn trong những câu chuyện kể bằng tranh của ông thật đẹp. Giữa ánh đèn khuya vàng vọt, hình ảnh ông cặm cụi tô màu cho các bức tường cũng thật đẹp trong mắt chúng tôi cũng như trong mắt những hàng xóm của ông.

    Ngày Tết cổ truyền đang đến, khi bức tranh chúc mừng năm mới ở hẻm 131 Nguyễn Khoái vừa hoàn thành, rất đông người dân đã đến đó để ngắm nghía, chiêm ngưỡng.

    Chúng tôi được nghe bà Hồ Thị Tươi (50 tuổi, công nhân Công ty cổ phần Dệt lưới Sài Gòn) phát biểu: "Người như ông Minh thật hiếm, vì ông ấy vẽ tranh cho cuộc sống đẹp hơn. Tôi thấy những chỗ ông Minh vẽ chẳng còn ai dán giấy quảng cáo hay bôi bẩn gì. Những bức tranh chào xuân như thế này của ông khiến người ta muốn về nhà cùng gia đình".

  • Bỏ quên cây cọ

    Bỏ quên cây cọBỏ quên cây cọ

    Đà Lạt chính là nơi tuổi trẻ của ông khởi phát những ước mơ đầu tiên. Ông Minh từng có một năm học vẽ, người thầy đầu đời của ông đã đánh giá cao tài năng của người học trò.

    Nhưng rồi thời cuộc khốn khó, năm 20 tuổi cuộc mưu sinh đã kéo ông rời khỏi Đà Lạt, băng qua những đồi thông để tiến về Sài Gòn. "Sài Gòn không phải Đà Lạt, mà chén cơm manh áo thì quá cần thiết nên tôi chẳng còn cơ hội cầm cọ" - ông Minh nói.

Quảng cáo

Tuoitre

Người đăng

Sunshine

Sunshine

Just live :)


Là thành viên từ ngày: 05/07/2017, đã có 340 bài viết

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo, Food City Việt Nam