Tôi ở Sài Gòn hơn 40 năm, coi như nửa đời người. Từ 1974, Hai Lúa tôi buổi đầu ngơ ngác hơn cả con nai vàng của Lưu Trọng Lư, tập tễnh vào Sài Gòn học đại học và mưu sinh.
Đến bây giờ trưởng thành, “làm người tử tế”, tôi đã nhiễm nặng phong cách sống của dân Nam bộ (Duy chỉ giọng nói là không thay đổi, cứ trọ trẹ như dân vừa nhập cư).
Sài Gòn là vùng đất mới hơn ba trăm năm, so với Hà Nội ngàn năm nên toàn dân tứ xứ, là “Hợp Chủng Tỉnh” của Việt Nam. Những người thân và cả tôi cũng không ngờ sự thay đổi đến chóng mặt, gần như là lột xác của tôi ngày xưa và tôi hôm nay. Đi qua dâu bể cuộc đời, được như hôm nay là nhờ tôi nhận được quá nhiều sự giúp đỡ và chia sẻ của người dân Sài Gòn.
Rất nhiều người trong số họ rất bình thường trong
cuộc sống và chưa hề quen biết. Tôi nghiệm ra những tính cách đặc thù Nam bộ của dân Sài Gòn, không lẫn vào đâu được, mà nổi bật nhất là tính cách “hào hiệp, nghĩa tình”.
Sài Gòn luôn là nơi khởi xướng các hoạt động cứu trợ xã hội
Từ trước 1975, Sài Gòn luôn là nơi khởi xướng các hoạt động cứu trợ xã hội cho nạn nhân hỏa hoạn chiến tranh và thiên tai, lũ lụt. Những “Quán cơm Xã Hội” đã giúp tôi thời sinh viên nghèo khó và nhiều phận đời cơ cực vượt qua những cơn đói thường trực.
Sau 1975, có một thời, các hoạt động xã hội bị lên án vì đã có nhà nước lo. Nhà nước nào lo nổi, giữa ngổn ngang hậu chiến, các hoạt động xã hội dần dà được hồi phục. Sài Gòn lại tiên phong với nhiều hoạt động từ thiện.
Từ các hội, đoàn cho đến các doanh nghiệp và cả những cá nhân hảo tâm. Trẻ con có phong có phong trào “Giúp bạn vượt khó”. Người lớn giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”.
“Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo” là mô hình sáng tạo, huy động sự góp sức của toàn dân chăm lo cho người nghèo khi ốm đau hoạn nạn. Các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, cả tư nhân và nhà nước, nhất là cơ quan báo chí cho đến các hộ tiểu thương và những người buôn bán nhỏ. Ai ai cũng có thể tham gia các hoạt động xã hội.
Chưa ai thống kê được, hàng năm, dân Sài Gòn đã chi bao nhiều tiền cho các hoạt động xã hội? Ước tính phải bằng tiền tỉ hàng trăm. Các mô hình “Nhà Tình thương”, “Bếp ăn từ thiện”, “Quán cơm Nụ Cười”, “Trà đá miễn phí” …vửa khẳng định “Thương hiệu Sài Gòn” và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Gần đây lại có thêm những “Bịch gạo miễn phí”, “Bánh mì, bánh bao miễn phí”, “Quần áo miễn phí”…Chỉ còn thiếu các công ty hoạt động xã hội đúng nghĩa. Hoạt động xã hội là phải tự nguyện và đam mê, không thể theo kiểu vì tổ chức phân công hay vì nhiệm vụ chính trị.
Đã từng đến thăm nhiều trường trại xã hội, đến từng góc khuất tăm tối của nhiều người dân thành phố và cả vùng phụ cận, tôi cứ mong ước có cách gì giảm thiểu khó khăn cho họ. Ngoài quần áo có thể là đồ chơi, vật dụng cá nhân, gia đình và cả thực phẩm.
Nhiều khách sạn, nhà hàng sau mỗi lần thay mới vật dụng thường tặng lại đồ cũ cho các cơ sở xã hội. Có cách gì thu gom thức ăn không hết của thực khách trong các nhà hàng để phân loại và phân phối cho các trường trại? Có cách gì thu gom vật liệu, đồ dùng gia đình của những người khá giả khi họ thay mới cho những hộ nghèo khó và cần thiết.
Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội thu gom thức ăn chưa hết và các đồ vật cũ để phân phối lại cho những người khó khăn đang rất cần giúp đỡ. Đó không chỉ là thực hành
tiết kiệm mà còn là cách thiết thực thể hiện đạo lý, để người Sài Gòn thêm hào hiệp, nghĩa tình