Đôi chị em bán hàng ở Sài Gòn đắt thì đắt chung, ế cũng ế cùng

03/09/2017   1.352  5/5 trong 2 lượt 
Đôi chị em bán hàng ở Sài Gòn đắt thì đắt chung, ế cũng ế cùng
Hai cái xe hàng bún bò, bún vịt của hai bả suốt ngày cặp kè như có cọng chỉ vô hình nối lại rồi cột vô góc đường, bán tới chiều thì mạnh bà nào bà nấy tháo cọng chỉ ra rồi kéo xe về nhà.

 
  • Hai cái xe hàng rong kiêm phương tiện tác nghiệp

    Hai cái xe hàng rong kiêm phương tiện tác nghiệpHai cái xe hàng rong kiêm phương tiện tác nghiệp

    Đồng thời kiêm luôn cái cần câu cơm của hai bà "Bò" và "Vịt".
    - Ê Vịt, cho Bò miếng giá coi.
    - Lấy đi bà, xin cái gì, mà còn chanh hông cho lại hai trái đi, hết chanh rồi.
    - Chết cha, còn mà để trong nhà, để chạy vô lấy cho.
    - Ừa đi đi để Vịt bán luôn dùm cho Bò.
    Đó là mẩu chuyện rất bình thường của hai người đàn bà bán hàng bên vệ đường Sài Gòn, một bà bán bún vịt tên Trang, bà còn lại thì bán bún bò cũng tên Trang.
    Cùng tên nên đó là lý do hai bả nghĩ ra cách đặt biệt danh cho đối phương, phù hợp với món ăn mà hai bả bán. Một bà Vịt và một bà Bò, nghe cũng hay ho nhưng ai không quen, khách vãng lai tạt ngang nghe tưởng hai bả tên vậy thiệt, hoặc… khùng.

  • Hai chị em "Bò" và "Vịt" thân như chị em ruột thịt chung vách, chung nhà.

    Hai chị em "Bò" và "Vịt" thân như chị em ruột thịt chung vách, chung nhà.Hai chị em "Bò" và "Vịt" thân như chị em ruột thịt chung vách, chung nhà.

    Hai bả nói, hên cái là đứa bán vịt, đứa bán bò chứ bán giống nhau thì có khi gọi nhau bằng con này con kia, mỗi đứa mỗi góc, lâu lâu thấy đứa kia bán được, đứa này không là cũng đứng ngóc mỏ chửi, chửi tới khi ế giống nhau thì thôi.
    Hoặc là cúng ông địa rồi lèm bèm "à ừ con trù con nhỏ bán bún đầu đường bán ế giống con". Y như mấy bà ngoài chợ, bà nọ thấy bà kia kéo cái sạp nhô ra một chút, thì cũng tức tốc xắn tay áo kéo sạp của mình ra thêm một chút, hai bà cứ qua lại như vậy khách đi ngang lắc đầu không dám mua. Vậy chứ với mấy bả, dằn mặt nhau kiểu đó là đủ vui, vui hơn khi bán đắt.

  • Thân nhau như chị em nhà chung vách

    Thân nhau như chị em nhà chung váchThân nhau như chị em nhà chung vách

    Đó chỉ là giả dụ, chứ hai bà Bò với Vịt bán khác món nhau, lại thân như chị em chung nhà chung vách, tắm chung một dòng hồi ức con nít cũng không chừng.
    Hai cái xe hàng bún bò, bún vịt của hai bả suốt ngày cặp kè như có cọng chỉ vô hình nối lại rồi cột vô góc đường, bán tới chiều thì mạnh bà nào bà nấy tháo cọng chỉ ra rồi kéo xe về nhà. Ngày mai dọn ra thì cũng cặp kè rồi cột lại như vậy, tính ra cũng gần chục năm.
    Mà ngặt cái là bán chung chỗ nên cùng một số phận, ngày nào đắt thì chị em bán đắt chung, còn ngày nào ế thì hai bả chỉ biết chụm đầu vô nhau ngồi kể chuyện trên trời dưới đất, như hôm bữa, trưa Sài Gòn đổ cơn mưa mấy tiếng đồng hồ, người ta không dám ra đường nên hai bả có bán được đâu, ngồi tụm lại tám, tám từ chuyện quận này qua quận kia, xóm này qua xóm nọ như thể chỗ nào cũng là "địa bàn" của mấy bả, chỗ nào mấy bả cũng đi qua mỗi ngày để hóng chuyện, mặc dù mấy bả có đi đâu quá xa khỏi quãng đường từ nhà ra tới chỗ bán.

    Bán chung một chỗ nên cùng một số phận, ngày nào đắt thì chị em bán đắt chung, còn ngày nào ế thì hai bả chỉ biết chụm đầu vô nhau ngồi kể chuyện trên trời dưới đất.
    Bà Bò kể với bà Vịt: "Ê bữa tao thấy con nhỏ nhà kế bên chợ Bà Chiểu có chửa, nó mới cưới 3 tháng mà cái bụng chang bang, kiểu này chắc ăn cơm trước kẻng, mà tội nghiệp con nhỏ, bầu bì mà sáng nào cũng ra chợ bán, thằng chồng nhậu nhẹt ngủ tới trưa mới dậy".
    Bà Vịt hí hửng: "Ủa dzậy hả? Bữa thấy bụng nhỏ xíu mà. Mà thằng chồng nào giờ tao có gặp đâu mà biết, chỉ nghe kể là nhà lo hai miệng ăn còn không nổi, giờ đẻ sao nuôi".
    Bò đáp: "Thì dzậy, trời kêu ai nấy dạ mày ơi, người có bầu là sợ nuôi không nổi, người rủng rỉnh tiền thì thèm nghe tiếng con nít".
    Bà Vịt nghe tới đây vỗ đùi cái chát, day người qua rổn rảng kể: "Y như bà Tư xóm Đình mày nhớ hông, lúc trước hay ghé ăn của tụi mình đó, mấy nay mày biết sao bả biệt tích hông.
    Trời ơi vợ chồng cưới mấy năm không có con mà không chịu đi Từ Dũ hỏi coi sao, đi nghe lời mấy cha thầy nào đó nói "mần ăn" xong phải nằm im giữ mấy con "lăng quăng" lâu nhất có thể, mới dễ đậu thai.
    Vậy là từ đó tới nay bà Tư toàn thấy nằm, ông Tư thì xanh xao luôn đó mày. Nghĩ mắc cười mà cũng tội hen".

  • Ai nói bán hàng kế bên nhau lại không có tình chị em thân thiết?

    Ai nói bán hàng kế bên nhau lại không có tình chị em thân thiết?Ai nói bán hàng kế bên nhau lại không có tình chị em thân thiết?

    Kể tới đây, hai bà phá lên cười ha hả, rồi đứng dậy dọn mớ hàng còn y nguyên chuẩn bị về. Trước khi về, hai bả còn có màn trao đổi món, như bà Vịt thì đổi bún vịt lấy bún bò từ bà Bò, rồi ngược lại.
    Vì bán ế, hai bả lúc nào cũng không nấu cơm chiều mà về ăn đồ ế, chứ bỏ uổng, lâu lâu đổi qua đổi lại cho nhau ăn đỡ ngán.
    "Mấy con chó ăn đồ ế hoài nó cũng ngán hay sao đó mày, dạo này hông thèm ăn nữa" – Bà Vịt vừa nói vừa đẩy cái xe vô hẻm về nhà rồi mất hút, bà Bò loay hoay như con rùa lật ngửa mới dọn xong rồi cũng chầm chậm đẩy xe hàng vô hẻm, thấy bác bảo vệ cái ngân hàng kế bên bả kịp ngoẻn miệng cười cái rồi hỏi "chú ăn bún bò hông, con cho một tô, chứ nay ế quá nè".
    Chú bảo vệ lắc đầu nói nay vợ có chờ cơm, bà Bò "dzậy hen" một cái rồi cũng mất tăm sau cái hẻm loằng ngoằng khu chợ chiều.

  • Hai bả hay tám chuyện, rồi nắc nẻ cười

    Hai bả hay tám chuyện, rồi nắc nẻ cườiHai bả hay tám chuyện, rồi nắc nẻ cười

    Người đi ngoài đường ngó vô, nghĩ chắc... tưng tửng.
    Ghé lại thăm hai bả vào một chiều Sài Gòn mát rượi, gió trên đường Điện Biên Phủ khúc ngã tư Hàng Xanh tạt ào ào.
    Thấy khách quen lâu ngày không ghé, hai bả kéo ghế cho ngồi, vừa định kêu tô bún bò thì bà Bò xua tay biểu "thôi nay ăn Vịt đi, Vịt ế hơn Bò nên ăn cho bả dzui đi", trời đất ơi, chị em thương tình nhau tới vậy luôn, lo tới chuyện hưng suy đắt ế của nhau luôn, hỏi sao hai bả không gắn bó với nhau gần chục năm.
    Gật đầu thì bà Bò qua phụ bà Vịt lấy rau trụng các kiểu rồi bưng ra cho khách. Xong xuôi hai bà sáp lại, túm tụm nói chuyện tiếp, tôi chọt vô hỏi: "Ủa nay ế hay sao hai bà rảnh dữ vậy?".
    Bà Vịt mếu xệch cái miệng nói: "Thấy giờ này còn là biết ế rồi anh Hai, mà tháng này ai bán hàng ăn thịt thà tôm cá đồ cũng ế, không phải mình mình".

  • Tháng ế hai chị em vẫn vui vẻ vì năm nào cũng thế

    Tháng ế hai chị em vẫn vui vẻ vì năm nào cũng thếTháng ế hai chị em vẫn vui vẻ vì năm nào cũng thế

    Tháng này ế, mà hai bả cũng vui vẻ chứ không hẳn là rầu rĩ vì "năm nào cũng vậy em ơi".
    Bà Bò cũng chen vào câu chuyện: "Tháng 7 âm lịch người ta ăn chay hết em ơi, ai mà ăn bò với vịt nên tụi chị ế trường kỳ từ đầu tháng tới giờ.
    Mà nghĩ kệ, một năm có một lần để người ta ăn chay cho nhẹ đầu, con này con kia đỡ chết đỡ tội. Thấy tụi chị vậy chứ cũng ăn chay, mà dẹp luôn hai cái xe hàng cho hết tháng 7 thì chắc không dám, tụi chị chết đói sao, còn con còn cái".
    Nhắc tới con cái, gia đình hai bả thì không phải ai cũng biết.
    Nhân danh là một mối manh lâu năm của hai cái xe hàng này, tôi xin kể đôi điều về số phận phiêu bạt của hai bả, từ khi còn bám trụ ở quê nhà cho đến khi tha hương ở cái đất Sài Gòn này rồi chấp nhận mỗi ngày bó gối chờ khách trên lề đường Điện Biên Phủ để bán tô bún vịt, bún bò với giá mười lăm ngàn đồng bạc để nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học.

  • Đây là bà "Bò", người Huế chánh gốc, bán bún bò chánh gốc.

    Đây là bà "Bò", người Huế chánh gốc, bán bún bò chánh gốc.Đây là bà "Bò", người Huế chánh gốc, bán bún bò chánh gốc.


    Bà Bò bán bún bò là con của đất Huế, dân gốc xứ miền Trung nắng gió, bão bùng nhưng từ hồi còn nhỏ xíu đã lũn cũn theo mẹ đi bán bánh bột lọc, bánh nậm các kiểu.
    Sau năm 1975, bà Bò đã rời bỏ quê hương theo một số người đồng hương khác vào Sài Gòn lập nghiệp, tại đây bả gặp chồng mình bây giờ, cũng là một dân phiêu bạt tứ xứ. Hai con người, hai số phận gắn với nhau bằng chữ "tứ xứ", họp lực với nhau tạo thành gia đình.
    Thời gian đầu, còn khó khăn nhưng cũng lỡ bụng sanh ra đứa nhỏ, bà Bò đành bỏ việc ở xí nghiệp ở nhà chăm con, để chồng một mình gồng gánh nuôi gia đình. Sau này con lớn xíu thì tuổi bả cũng đã quá lứa để trở lại xí nghiệp, ăn học cũng ít nên thôi.
    Nghĩ về cái gốc của mình, xứ Huế có gì đâu ngoài ẩm thực, từ bé lại được mẹ chỉ cho nấu không ít món, bả nấu nồi bún bò đem ra vệ đường gần nhà bán chơi, ai dè tới giờ không bỏ được.

  • Tô bún bò nuôi sống gia đình bao nhiêu năm

    Tô bún bò nuôi sống gia đình bao nhiêu nămTô bún bò nuôi sống gia đình bao nhiêu năm

    Tô bún bò nuôi sống gia đình bà "Bò" bao nhiêu năm qua với giá chỉ mười lăm ngàn bạc.
    Bởi nhiều người khen món bún bò bả làm ra ăn ngon hơn nhiều chỗ, nước lúc nào cũng đậm đà thơm phức mùi bò, mà thịt chả các thứ bả cũng làm chuẩn Huế, y chang mẹ dạy nên người Sài Gòn rất ưng, chưa kể chỉ mười lăm ngàn một tô rẻ bèo, bà già vé số nghèo lâu lâu cũng tấp vô ăn một tô thì nói chi tới người khác.

  • Còn bà Vịt

    Còn bà Vịt Còn bà Vịt

    Đây là bà Vịt, con vùng miền Tây miệt thứ Nam bộ, bán bún Vịt chuẩn vị miền Nam.
    Bà Vịt thì là người miền Tây, nghe bả kể đâu từ năm 90 thì đã tự mình xách mấy bịch đồ rồi bắt xe lên Sài Gòn phụ chị mình bán bún vịt ở góc đường Mạc Đỉnh Chi, nhưng ngày qua ngày buôn bán dần khó khăn, nhất là cái chuyện dịch cúm gia cầm rộ lên, nên phụ chị được một thời gian thì xe bún vịt cũng dẹp.
    \Bà Vịt lại lăn lộn mưu sinh kiếm sống, sau đó bén duyên nghề trang điểm cô dâu nên bả theo học, được tầm một năm bả bắt đầu làm nghề kiếm sống.
    Trang điểm hàng trăm cái mặt cô dâu, bả mới nghĩ bụng không biết khi nào mình mới tự trang điểm cho mình để đám cưới cho có với người ta. Vậy mà nghĩ cái có thiệt, sau đó bả quen một anh, dân miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, rồi sau đó làm đám cưới về chung một nhà.
    Cũng y như bà Bò, bà Vịt cũng lỡ bụng có con nên công việc gián đoạn, sau này bả có thử làm lại nghề trang điểm cô dâu mà thấy không có ăn nên thôi nấu lại nồi bún vịt năm xưa của chị ra bán.

  • Tô bún vịt nhìn là phát thèm do bà "Vịt" nấu.

    Tô bún vịt nhìn là phát thèm do bà "Vịt" nấu.Tô bún vịt nhìn là phát thèm do bà "Vịt" nấu.


    Và cũng cái tâm lý "bán chơi thử coi sao" đó, nó bắt bả bán riết tới bây giờ. Bởi bả nói bán chơi vậy chứ bả nấu nồi bún măng vịt rất nghiêm túc, măng phải mua loại măng nửa tươi nửa khô ở vùng cao với giá đắt đỏ mang về nấu, bả nói bún vịt nấu bằng măng này là hết sảy.
    Tô bún lúc nào cũng đầy ắp, hành phi nhà làm thơm nức, lại béo ngậy rồi nước lèo bả nấu cũng vừa ăn, thịt vịt lại giòn dai chấm miếng mắm gừng ăn xong không nỡ đưa bả mười lăm ngàn vì thấy tội, bán ngon, nhiều mà rẻ vầy, lấy mười lăm ngàn sao có lời.
    Rồi hai bà với hai cái xe bún bò, bún vịt như vậy bán trên vệ đường Điện Biên Phủ vô tình gặp nhau, chị em bán hàng mà, ngồi một chỗ nên buồn miệng bắt chuyện kể nhau nghe, cái thân luôn tới giờ thấm thoát gần chục năm, luôn luôn bên nhau dù mưa dù nắng, chưa bao giờ ganh ghét nhau, san sẻ cho nhau từng mớ rau, củ hành, trái chanh…
    Nhiều khi bà này có công chuyện gấp về nhà thì bà kia coi luôn hai xe hàng, bán giùm luôn cả ngày. Bà này nghe bà kia bệnh mà biết bài thuốc đâu hay lắm cũng gửi người mua giùm.

  • Hai người chạy qua chạy lại phụ nhau

    Hai người chạy qua chạy lại phụ nhauHai người chạy qua chạy lại phụ nhau

    "Bán đắt thì chạy qua chạy lại người phụ một tay, người kia phụ một chân, ế thì sà vô ngồi ngắn dài kể chuyện cùng làng cuối xóm".
    Bán đắt thì chạy qua chạy lại người phụ một tay, người kia phụ một chân, ế thì sà vô ngồi ngắn dài kể chuyện cùng làng cuối xóm. Những câu chuyện riêng ở quê hương mỗi người nghe hoài riết thuộc lòng, nhiều khi không biết rõ "phải chăng quê nó có phải quê mình" hay không?
    Bà này nghỉ một bữa bà kia buồn thúi ruột thúi gan, trưa ế khách ngồi một mình mà buồn muốn ngủ luôn tại chỗ.
    Nghĩ cái cọng chỉ vô hình nối hai cái xe bún bò, bún vịt chắc nó len vào trái tim hai người đàn bà này luôn, rồi cột lại đâu đó ở chính giữa, nối hai bả lại như chị em ruột thịt một nhà, mặc cho một bà giọng Huế, một bà giọng miền Tây.
    Mà may, đất Sài Gòn thương nên có lẽ "nó" cương quyết "nuôi sống" hai bả ngày này qua ngày khác, dù no dù đói, chị em cũng bên nhau san sẻ chút nghĩa tình xa xứ, nên hai cái xe còi cọc của hai bả mới sống qua những ngày khó khổ.

  • Và những lần động viên nhau

    Và những lần động viên nhauVà những lần động viên nhau

    "Thôi chị em cùng ráng nha bà", hai bả bảo nhau như thế, trong một ngày tháng bảy âm u.
    Quay lại câu chuyện ghé thăm hai bả lúc nãy, đang ngồi nói chuyện với chủ đề "tháng 7 bán ế" hoài một hồi thì mặt trời xuống gần quá nửa. Bà Bò ngó coi cái đồng hồ đeo tay thấy 5 giờ 30 chiều rồi hốt hoảng nói: "Chết cha, chưa nấu cơm cho chồng".
    Bà Vịt thủng thẳng đáp: "Trời ơi, cơm nước gì về cho ăn đồ ế đi bà ơi, thôi ráng ngồi tới 6 giờ coi sao, nửa tiếng chắc cũng được vài tô".
    Bà Bò "ờ" một tiếng dài thoòng, hắt ra cái mệt mỏi chung của những người bán hàng ăn trong tháng 7 âm lịch mà dân mình quen gọi là "tháng cô hồn".
    Xong hai bà ngồi ngó đại lộ lên đèn, ánh mắt xa xăm buồn buồn, rồi đồng thanh nói một câu: "Thôi chị em ráng nha bà". Sài Gòn hôm đó, trời mém đổ thêm một trận mưa…

Quảng cáo

soha.vn

Người đăng

Nguyễn Hà

Nguyễn Hà

Thích làm những điều mình thích, đi những nơi mình muốn đi, đọc những điều mình muốn đọc


Là thành viên từ ngày: 24/06/2017, đã có 369 bài viết
Website: https://chimcanhcutnho.wordpress.com/

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo