Hình ảnh đó vừa lạc hậu nghèo nàn, lại vừa hiện đại trong thời buổi dân chúng nhiều nhà còn dùng nước giếng đào, không cần qua thanh lọc khử trùng. Thuở đó, nước máy công cộng là một điều gì đó rất mới mẻ, sạch sẽ. Và thật khoái chí làm sao đưa tay hứng từng bụm trong lành đưa vào miệng để dòng nước mát rượi trôi qua cổ họng trong lúc chờ hứng đầy đôi thùng nước vào những lúc chiều hôm.
Có được vài đôi thùng nước mang về nhà là điều khó khăn cho nhiều người dân xóm nhỏ của tôi. Nhưng lạ một điều, tôi chưa bao giờ thấy ai phàn nàn chính quyền sao không lo cung cấp nguồn nước máy cho dân trong xóm mà chỉ mở đường nước cho người dân sống ở mặt tiền đường.
Chuyện bình thường ở huyện, chẳng gì phải ầm ĩ, đào đường ống trước nhà mặt tiền thuận lợi thi công và mặt tiền đường cũng là bộ mặt đô thị, phải lo trang điểm bộ mặt trước, chuyện sau lưng thì hẳn tính sau, không năm này đặt đường ống thì sang năm sau, năm sau nữa, rồi nhà nào cũng được xài nước máy.
Chuyện nước máy tôi đang nói đến vào thuở giữa thập niên 60, khi nhà máy nước Thủ Ðức đã xây dựng hoàn thành (1966). Nước máy được cung cấp rộng khắp đến Phú Nhuận, Gò Vấp, Q.11 hay Q.6.
Thế trước đó nữa thì sao, chẳng lẽ dân Sài Gòn ở các quận trung tâm không xài nước máy? Nước máy thật ra đã có từ rất lâu nhưng chỉ phục vụ cho những nhà mặt tiền khu trung tâm.
Nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ cái thủy đài đầu tiên Pháp khánh thành năm 1886 nằm ở góc xéo Công trường Quốc tế tức Hồ Con Rùa (ngày nay là Công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco). Nước được bơm thủ công lên bể chứa từ các giếng cạn gần đó để phục vụ cho các công sở, nhà các quan chức Pháp cùng một ít dân cư người Việt khá giả tại khu vực trung tâm Sài Gòn khi ấy chỉ lèo tèo vài con đường đất.