Nghe tiếng trống bỏi tong tong, tong tong từ đầu hẻm, là tôi từ trong nhà phóng ngay ra cửa rào chờ đón. Má tôi bưng thúng quần áo cũ bước ra, gọi ông già Tàu, rồi luôn tiện càm ràm: “Mấy đứa nhỏ chờ cả tháng nay để nhuộm mấy cái quần sọt mà chẳng thấy bóng dáng ông đâu”. Ông già Tàu chậm rãi đặt quang gánh xuống sân đất trước nhà, kéo cái khăn đen vắt vai lau mồ hôi trên mặt….lấy thanh củi tẩm dầu chẻ nhỏ để nhóm lửa đốt lò. Cái lò đốt của ông rất ngộ, không giống cái lò ông Táo trong bếp nhà tôi có ba chân, phía dưới có cái vỉ lò để bụi tro rớt xuống. Cái lò của ông đến bốn chân vuông vức lại không có vỉ lò dùng để đốt củi. Cái nồi của ông cũng ngộ, không phải nồi tròn mà là nồi gang vuông nằm gọn chắc chắn trong dây đai tre quang gánh. Trong lúc ông đốt lò, nhiệm vụ của tôi là chạy vào sau nhà xách ra cho ông xô nước lớn. Mỗi năm má tôi nhuộm quần áo chỉ có một lần nhưng mỗi lần như thế kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Bà con chòm xóm, sẵn tiện mang vài ba mớ đồ cũ nhờ ông nhuộm mới.Tự nhiên sân trước nhà tôi trở thành cái lò nhuộm . Nước để nhuộm của nhà nào thì nhà đó tự xách ra trong cái thùng thiếc có thanh cầm bằng gỗ, quần áo cần nhuộm để gác ngang lên miệng thùng, chờ lần lượt tới phiên mình. Mấy bà rảnh việc, mang ghế đẩu ra ngồi coi ông thợ nhuộm làm việc. Hình ảnh đó, với tôi thuở ấy rất vui, vui nhất là nghe ông Tàu kể những chuyện hỷ nộ , rồi tâm sự : ” Ái Chà ….Cái nghề lày ló phải dzậy, cả lăm người ta mới duộm quần áo một lần, ai chịu khó len lỏi vào mấy hẻm nhỏ thì mới có khách chớ.. .Hày lớ !
Nhìn đôi giày nhựa dưới đôi bàn chân to bẹt của ông mòn nhẵn đế, dính đầy vết dơ bùn đất, lòng tôi chợt nổi lên sự thương cảm tấm thân cơ cực của cái nghề nhuộm quần áo rong trong xóm. Nhưng rồi, lòng thương cảm của tôi cũng thoáng qua như cơn gió thoảng, nhanh chóng nhường lại cho sự háo hức khi trông thấy những cái quần sọt chìm trong thùng thuốc nhuộm màu xanh sẫm sôi sùng sục. Bấy giờ, ông Tàu mới dùng hai chiếc đũa tre to dài, mặt bản hình thuông rộng bốn năm cen-ti-mét, chèo nhúng mấy cái quần đượm màu xanh mới. Ông cầm hai thanh đũa khéo léo móc cái lưng quần và ống quần xoắn vặn vào nhau vắt chặt không còn miếng nước, xong rồi để riêng qua chiếc chậu gỗ. Ông làm từng cái như vậy, rồi lại lấy đũa nhấc từng chiếc quần bỏ vào thùng thuốc nhuộm đảo qua một lần nữa để thuốc nhuộm ăn vải cho đều. Hai tay ông cầm đũa chèo vắt rất thành thục, nước nhuộm không rơi vải ra sân chút nào.
Sau khi nhuộm xong mấy chiếc quần của tụi tui, ông vắt khô thành lọn bỏ vô chiếc thau nhôm tôi mang ra để sẵn, dặn dò má tôi đem ngâm nước lạnh vài tiếng đồng hồ rồi hẵng xả cho đến khi nào không còn ra màu mới đem phơi. Làm như vậy khi giặt đồ chung mới không bị lem màu nhuộm.
Ông Tàu bưng thùng nước nhuộm đem đi đổ xuống lỗ cống gần đó. Lúc này, tôi mới để ý tới màu thuốc nhuộm đựng trong mấy lon sữa Guigoz mà ông xếp ngăn nắp trong cái thùng gỗ dưới chiếc chậu gỗ ở quang gánh bên kia. Ông lấy một chiếc hộp trên nắp có dán một tấm giấy ghi chữ bằng tiếng Tàu mà tôi đoán là “đen”, bởi ông đang bắt nước sôi để nhuộm mấy chiếc quần lãnh Mỹ A của má tôi. Ðúng là đen nhưng cái mùi thuốc nhuộm hăng hắc cho dù đó là màu xanh, màu đen, hay màu chàm (nâu) đều có mùi giống nhau. Bác Hai nhà đối diện khi xưa ở Tân Châu, vùng đất làm ra thứ vải lãnh mà bất kỳ các bà các cô ai nấy cũng đều thích. Bác Hai phân trần thuốc nhuộm đen bằng trái mặc nưa hồi trước không nặng mùi hắc. Tôi nghĩ, có lẽ thuốc nhuộm của ông già Tàu là loại thuốc nhuộm hoá chất, chỉ có các lò nhuộm ngày xưa sử dụng thuốc nhuộm chế từ các loại thực vật trong thiên nhiên. Thuở tôi còn nhỏ, các lò nhuộm vải ở Sài Gòn đã sử dụng thuốc nhuộm hoá chất rồi…….