Những cơn mưa cuối ngày dễ khiến người ta loay hoay. Ló ra từ cửa hàng bán quà lưu niệm, nhìn màn mưa như trút xiên qua ánh đèn cao áp, tôi ngần ngại đứng lui lại bên trong mái che. Quãng đường trước mặt đã ngập nửa bánh. Mặt nước loang loáng hắt sáng từ bóng đèn pha xe máy, xe ô tô, dập dềnh đánh sóng. Những đứa trẻ nép sát vào lưng bố. Vài phụ nữ lúng túng trên chiếc xe ga nước đã ngập sàn. Uỵnh! Một chiếc xe máy phóng vội lên vỉa hè vừa trật bánh qua nắp cống gẫy.
“Không ổn rồi, mưa cũng phải về thôi“, tôi nghĩ, chần chừ giây lát rồi chạy ra mở vội cốp xe lấy áo mưa, lấy xong lại vọt vào mái hiên như thể cơn mưa đang chơi trò rượt bắt. Vừa trùm áo mưa vừa ngó trời đất mong mưa mau ngớt, chợt cảm thấy có bàn tay kéo nhẹ vạt áo mưa sau lưng. Tôi ngoảnh lại, là bác bảo vệ trông xe cho cửa hàng. Có lẽ khi trùm lên, vạt sau áo mưa bị giắt nên bác kéo chỉnh lại giúp. Trong lòng thấy vui vui, ấm áp lạ.
Dù đã vài lần vào Sài Gòn, tôi vẫn thấy lạ và vui vì con người nơi đây. Con người ở đây cư xử với nhau ân cần mà chẳng cần quen biết. Một lần tôi trả tiền gửi xe, vé xe hết 3 ngàn, đưa tờ 200 ngàn, anh bảo vệ nói: “Bữa sau trả cũng được“. Tôi thấy lạ lắm, nào anh này có biết bữa sau tôi còn ở đây không hay đã trở ra Bắc rồi mà cho nợ. Thông thường ở ngoài Hà Nội, tôi sẽ cần dừng xe lại một góc, đi hỏi đổi tiền rồi về trả lại. Hôm sau gặp lại cũng không thấy người bảo vệ nhắc, tôi đưa tiền rồi nói trả thêm tiền nợ hôm trước, người bảo vệ trẻ mới cười cười tỏ ý hiểu.
Một lần khác, ngó bên đường có xe bán thanh long ruột đỏ 10 ngàn một ký, tôi dừng lại vừa chọn mua vừa nói chuyện. Anh bán hàng nói giọng Bắc, thì ra là người Thái Bình vào trong đây buôn bán đã được khoảng 10 năm. Thú thật, dù chỉ là vào Nam, chẳng đi đâu xa khỏi biên giới nước mình nhưng giữa đất lạ được nghe giọng đồng hương vẫn cảm thấy như bớt nỗi nhớ nhà. Khi cân lên hơn 3 ký, trong ví tiền lẻ chỉ đủ 30 ngàn, còn lại là tiền chẵn. Tôi định bỏ bớt ra nhưng anh chỉ lấy 30 ngàn, bảo lần sau nhớ ghé.
Người ta hay nói người gốc Sài Gòn rộng rãi, khoáng đạt, rằng người gốc Nam Bộ thì hào sảng, nghĩa hiệp. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ cái nếp người nơi đây, không gian sinh sống mới thực sự là nguồn gốc tạo nên những nét tính cách thuần phác ấy. Không hẳn phải là người gốc Sài Gòn, mà chỉ cần được sống trong bầu văn hóa với cách cư xử tử tế ấy, tôi tin ai cũng trở nên rộng rãi, vui vẻ mà chẳng tính toán thiệt hơn. Lần đầu tiên vào Nam, xuống sân bay rồi cần chuyển xe đi tiếp về Tây Ninh, tôi dừng mua bánh bò trên chiếc xe đẩy bán trước bến xe An Sương. Câu chuyện qua lại mới biết chị là đồng hương, mà đồng hương cùng tỉnh mới hay. Chị lưu lạc vào Nam bán hàng, mười mấy năm vẫn chưa dư dả để về thăm quê. Tôi nửa đùa nửa thật: “Là đồng hương đừng bán chặt chém em nha“. Khi tính tiền, chị nói: “Em mua 3 tấm, chị gắp thêm cho em một tấm, tính tiền 3 tấm thôi. Đồng hương mà“. Tôi tự trách mình đã mang cái tâm ích kỷ mà cư xử với người đã bao năm không được về lại thăm quê.
Đơn giản vậy thôi, những người dân bình dị ở đây dạy tôi cách tin nhau dù chỉ lần đầu gặp. Tấm lòng chân thành đó, có người nói là cả tin, là dễ bị lừa, nhưng người tin mình, mình cũng tự nhiên mang tấm lòng thành thật đó đi trao lại cho người khác. Buổi tối cuối cùng tại Sài Gòn, tôi có việc gấp phải ra bến xe đi Cam Ranh (Khánh Hòa) thay vì bay trở lại Hà Nội như dự kiến. Chú lái xe ôm hỏi: “Con hẹn nhà xe lúc mấy giờ?“. “Dạ, con hẹn đi chuyến 19h“. “Được rồi, ngồi yên nhé, chú chở con tới đúng giờ“. Chú tìm tất cả các lối tắt để đưa tôi đi, tới nơi vẫn còn sớm 15′ dù đường tắc, nghẽn nhiều đoạn do đang tan tầm. Quãng đường đi xa hơn dự tính. 25 ngàn như tôi mặc cả ban đầu giờ thành vô duyên. “Giờ thối lại con 5 ngàn nha“. “Dạ thôi chú ơi, chú cầm cả giúp con…“.
Người ta sẽ có cả trăm, cả ngàn cách để bảo nhau cần sống sao cho thành thật, nhưng giữa đất Sài Gòn phồn hoa mà nhiều thị phi ấy, những bài học về đạo làm người vốn ấm áp và đơn giản vậy thôi.