Góc ăn đêm bình dị trong đêm khuya ở Sài Gòn.
Ảnh: Phong Vinh.
Ở Sài Gòn suốt 25 năm qua, quán cháo trắng Thanh Bình ở ngã tư Hàng Xanh đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Quán mở cửa từ xế chiều đến 4 giờ sáng hôm sau.
Nói là quán nhưng người chủ không để gì nhiều ngoài chiếc tủ kính bày đồ ăn kèm và bàn ghế xếp gọn một bên. Khách tới ăn sẽ đậu xe trên lề đường rồi vào gọi món. Chừng khoảng 5 - 7 phút sau, tô cháo nóng hổi cùng các món kèm sẽ được bưng ra.
Cháo ở đây được nấu từ loại gạo ngon, thơm nức mùi lá dứa. Hạt gạo được nấu khéo nở bung như những bông hoa trắng mịn màng. Cháo không quá đặc cũng không quá lỏng, mà có độ sánh vừa phải, ăn vừa đủ no mà không đầy bụng đêm khuya.
Các món đồ ăn kèm như tôm rim chua ngọt, củ cải muối giòn, mắm kho, cá cơm,… đều được đựng trong chén nhỏ. Mỗi chén có giá trung bình 10.000 - 15.000 đồng, tùy loại.
Gắp miếng trứng muối kèm thêm chút dưa mắm chậm rãi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được cái vị hài hòa được khéo nêm nếm, húp một muỗng cháo nóng nữa là tròn vị.
Ngoài cháo trắng, bạn cũng có thể gọi cháo đậu đỏ để đổi vị, cùng các món đồ uống như nước sâm, sữa đậu nành với giá trung bình 5000 đồng một ly.
Cháo trắng ăn cùng trứng bắc thảo và dưa mắm
Vị cháo vẫn là lựa chọn hàng đầu của những người mê món này. Ảnh: Phong Vinh
Quán cháo hơn 25 năm dành cho người thích đi sớm về khuya
Video: Quán cháo trắng 25 năm ở ngã tư Hàng Xanh. Video: Phong Vinh
Do mở cửa suốt đêm, quán thích hợp cho những người lỡ dở đói bụng vào buổi đêm hoặc đi đâu về trễ. Quán thường đông khách vào đêm muộn, nếu tới vào thời điểm này, thực khách nên chú ý tới tài sản cá nhân.
Tôi ghé quán lúc gần 4 giờ sáng, nhưng quán vẫn còn sáng đèn, các món ăn kèm với cháo vẫn còn đầy đủ. "Bán khuya rất cực, nhưng thấy khách vô đông là cái mệt nó không còn nữa. Có hôm tôi bán 300 đến 400 tô cháo là chuyện bình thường", anh chủ vừa cặm cụi sắp xếp lại các món vừa nói với tôi.
Vì nằm ở ngã tư đường, ngay cửa ngõ đi ra các tỉnh miền Đông và quán cũng chỉ là tiệm bình dân bên đường, nên cảm giác “vừa ăn vừa hít bụi” chắc chắn không mấy thoải mái với nhiều người. Nhưng có lẽ vì vậy mà nó trở thành đặc sản của ẩm thực đường phố Sài Gòn, níu chân du khách phương xa.