Vài phút hết gần 30 kg cua hấp
Ít phút sau, chiếc xe ôm chở bà Ba Cua đến. Nhóm người đợi sẵn đứng dậy đón bà. Ngay khi mâm cua và những túi đựng cua hấp được bà bày biện sẵn ở nhà đặt xuống, hàng chục người đã nhanh tay, tranh nhau lựa.
Người chọn cua đực, người lấy cua thịt, cua cốm. Trong tích tắc chưa đầy 10 phút, gần 30 kg cua hấp sẵn của bà Ba hết sạch. Do chờ lâu, mỗi người đến đều mua ít nhất 2 con cua hấp. Nhiều người không chen được vào mua đã phải ra về tay không.
“Hôm nay tôi mua 40 kg cua sống về sơ chế, riêng dây cột đã hết 12-13 kg, vì vậy số lượng còn lại để bán cũng không bao nhiêu, chưa kể quá trình hấp thì khối lượng cua cũng giảm đi 2-3 kg. Làm từ sáng đến giờ nên hôm nay ra bán trễ, nhưng thấy mọi người chờ và mua nhiều như vậy tôi mừng lắm”, bà Ba quệt mồ hôi trần tình với mọi người.
Do người mua đông nhưng diện tích vỉa hè hẹp nên ai cũng tranh nhau “xí phần” trước rồi mới cân và trả tiền sau. Giá cua hôm nay bà Ba bán là 650.000 đồng/kg cua thịt và 1 triệu đồng/kg cua cốm.
“Đa phần tôi chỉ bán cua thịt thôi, vì cua cốm giá đắt nên tôi cũng không dám lấy nhiều. Hôm nào cua không được ngon lắm, tôi thường phải nói thật với khách, để họ dễ lựa chọn. Cua Cà Mau này tôi lấy từ một mối quen suốt 30 năm rồi”, bà Ba nói.
70 tuổi, với kinh nghiệm bán cua hấp gần 30 năm, nhưng bà Ba vẫn thật thà cho biết dù lựa rất kỹ nhưng nhiều hôm vẫn để lọt 1-2 con không chất lượng. Bà nói cua không ngon hấp ra nhìn là biết ngay, và bà không bao giờ trộn vào để bán cho người mua. Số này bà để ở nhà hoặc tặng cho người mua ăn chơi.
Vì sao khách phải xếp hàng đợi mua cua bà Ba?
Mâm cua hấp của bà Ba xếp ngay ngắn với những con cua đỏ au. Con nào trông cũng chắc thịt với đôi càng to còn nguyên. Nhiều người cho hay mâm cua của bà Ba rất đặc biệt, không đâu có ở Sài Gòn, từ cách bày trí, hình thức đến chất lượng. Do vậy dù giá bán không hề rẻ, nhiều người vẫn xếp hàng để mua cho bằng được.
Thường mỗi khách rời mâm cua bà Ba phải chi 500.000-1.000.000, đồng, do cua to, trung bình cứ 2 con là gần 1 kg, nhưng ai cũng vui vì mua được.
“Tôi mua gần 2 kg cua với giá hơn 1 triệu đồng. Nghe râm ran mọi người giới thiệu cua ngon, đúng cua Cà Mau nên tôi lặn lội từ Bình Thạnh đến đây mua. Không ngờ nhiều người cũng chờ như tôi từ rất sớm”, anh Khoa nói.
Chen lấn và tranh thủ lắm mới mua được 1 kg cua cốm giá 1 triệu đồng, một khách hàng nữ nói rằng chị thấy mức giá này là hợp lý.
“Nếu đi mua cua sống tại các chợ, chắc chắn cua này cũng có giá hơn 400.000 đồng/kg nhưng sẽ được buộc bằng đủ thứ dây nhợ, nhiều khi khối lượng dây còn nặng hơn cua. Trong khi đó, chất lượng cua cũng khó đảm bảo, phải là người tay nghề lắm thì mới biết được. Còn cua của bà Ba được làm rất sạch, luộc chín mới cân tính tiền, rất bắt mắt và ngon”, chị giải thích thêm và cho biết mình là khách quen của bà Ba.
"Bí quyết của tôi là bùa muối và tình thương"
Theo một con hẻm nhỏ trên đường quốc lộ 50 về huyện Bình Chánh, hỏi nhà bà Ba Cua ai cũng biết. Đây là cái tên thân thuộc mà mọi người vẫn dành cho bà cụ hơn 70 tuổi làm nghề bán cua hấp mấy chục năm qua, đến nỗi ít ai biết đến tên thật của bà là Huỳnh Ngọc Dung.
Căn nhà nhỏ có gác xép chỉ hơn 20 m2 của bà Ba nằm sâu trong xóm lao động nghèo. Nhiều năm qua, bà Ba sống thui thủi một mình với nghề bán cua, chồng và cậu con trai duy nhất của bà đều đã mất.
“Ông ấy chạy xe ôm, mất sớm khi chỉ hơn 50 tuổi, vì đột quỵ. Rồi thằng con trai duy nhất cũng bỏ tôi mà đi khi một căn bệnh đột ngột ập tới. Bây giờ chỉ còn một mình, tôi lẩn quẩn cùng với con chó nhỏ này. Tôi thương nó còn hơn bản thân mình nữa”, bà Ba nói.
Mâm cua trải qua nhiều công đoạn trước khi mang đến người mua.
Hàng ngày, bà cụ vẫn đều đặn với công việc quen thuộc. Sáng, bà nhờ một người quen làm nghề lái xe ôm chở đến một vựa cua trong chợ Hòa Bình để tự tay chọn cua ngon. Sau đó, bà mang về nhà rửa thật sạch rồi hấp.
Cầm trên tay con cua hấp chín đỏ au còn nóng hổi, bà dùng chiếc khăn riêng lau sạch từng con lần nữa rồi quét lớp dầu lên cho thật bóng, để cua trông ngon mắt và tránh côn trùng bay vào. Bà cho rằng không phải ai bán cua hấp cũng đều làm công đoạn này, và nhất quyết không để cua nguội hoặc cho nước vào để dễ thực hiện, vì như vậy cua sẽ mất ngon.
“Gần đây, tôi bán nhiều và nhanh hơn. Số khách quen mỗi ngày quay lại cũng nhiều hơn, thậm chí họ còn đặt trước cua. Chắc cũng nhờ cua tôi ngon, rồi nhờ 'bùa muối' đặc biệt và cả thần linh nữa”, bà Ba hài hước chỉ tay về những túi muối tiêu đã được chuẩn bị sẵn.
Bà nói trước đây, mỗi ngày chỉ lấy khoảng 20 kg cua để bán, nhưng phải ngồi từ sáng đến chiều. Không hiểu sao gần đây, số lượng khách tăng hơn và mua nhanh hẳn, chỉ 5-10 phút là bà bán hết gần 30 kg cua hấp. Bà nói cảm ơn thần linh đã giúp mình.
Nhưng với bà, những người hàng xóm và những người dân đang sống tại con hẻm trên đường Nguyễn Trãi mới là người ơn thật sự. Bà sống chỉ một mình, nếu không được mọi người giúp đỡ, chắc chắn không thể nào lo nổi công việc, nhất là khi số người biết và mua cua ngày càng nhiều.
Mâm cua đỏ au, ngon mắt của dì Ba
Cũng nhờ những người hàng xóm quanh nhà mà bà Ba mới xử lý, hấp xong 30-40 kg cua mỗi ngày để kịp giờ chở ra chỗ bán. Mỗi người một tay, ai cũng xúm vào giúp bà cụ tháo dây, rửa cua, bôi dầu…
Tại nơi bán, bà kể chỉ cần bà vừa mang cua đến, 5-7 người bán hàng cạnh đó đã vây lại giúp bà Ba chia cua, cân cua, tính tiền. Thậm chí, chiếc cân điện tử của chị bán trái cây kế bên cũng được trưng dụng, để tính toán cho nhanh chóng và chính xác.
Chị Minh Châu, chủ của chiếc cân này cho hay bà Ba lớn tuổi nên tính toán tiền tương ứng số kg cua khách mua không được nhanh, và có thể nhầm, nên các chị giúp đỡ. Còn nhiều người đàn ông đứng ở vòng ngoài để trông xe và kiểm soát số cua mà khách mua, để tránh mất cắp.
“Bà Ba hiền là khổ lắm, sống một mình nên ở đây ai cũng thương. Tranh thủ buổi trưa một chút để giúp bà, không mất mát gì cả. Chúng tôi cũng không cần kể công. Thấy bà bán đắt, chúng tôi ai cũng mừng hết”, chị Minh Châu nói.