Quán hơn nửa thế kỷ chỉ bán ở lề đường
Một trong những địa chỉ lâu năm nổi tiếng là quán của ông Đặng Ngọc Côn (83 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (78 tuổi) tại một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Quán nổi bật với chiếc xe chất đầy đồ nghề được đặt phía ngoài gian nhà nhỏ chưa đầy 10 mét vuông. Chủ quán thường được khách quen gọi là ông bà Ba.
Gọi là quán nhưng nơi này không có bàn ghế đầy đủ. Khách đến sẽ ngồi trên đường, nép ở hai bên một con hẻm, cà phê được phục vụ trong ly nhựa.
Ông chủ cho biết, xe cà phê này có từ thời Pháp thuộc, do thân sinh của ông Ba mở bán. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cách nấu cà phê bằng vợt vẫn được gia đình giữ gìn và duy trì. Khách từng thử qua chắc chắn sẽ không quên được ly cà phê loãng, thoảng mùi khen khét.
Hiện tại, quán do con cháu của ông đứng bán. Góc nhà nhỏ vừa chứa đồ đạc, vừa là nơi pha chế. Nhi Hoàng hiện sinh sống và làm việc tại TP HCM chia sẻ, cứ mỗi khi rảnh rỗi là bạn lại ra "Vợt của ông Ba".
"Mình thích cảm giác buổi sớm được ngồi ở quán ngắm nhìn khách đọc báo, người qua lại và thưởng thức cà phê. Cả một Sài Gòn dường như thu lại chỉ ở góc đường nhỏ này", Nhi nói.
Quán năm "không" nhưng vẫn đông khách
Đặc điểm chung của các quán vỉa hè ở Sài Gòn là không tên, không nhân viên, không máy lạnh, không mở nhạc, không có wifi và một số còn không bán ngoài giờ hành chính.
Đón khách đã được hơn 30 năm, quán bà Hồng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) là một trong những địa chỉ tương tự. Quán hội tụ đầy đủ năm "không" nhưng khách đến không ngớt. Bà Hồng cho hay, bà mở quán lúc con trai mới 2 tuổi, bây giờ con bà đã 38 tuổi.
Quán thường mở vào sáng sớm. Không gian ngập ánh nắng đầu ngày được phủ xanh bởi hàng dây leo phía trước. Khách đến quán bà Hồng đa phần là người làm văn phòng gần đó, vài vị khách quen cũng thường ghé chân để ăn vội ổ bánh mì trước giờ công sở.
"Tôi không hay ngồi lại quán vì phải làm việc nhưng đã uống cà phê ở đây cỡ chục năm rồi. Thời gian qua quán vẫn không có nhiều thay đổi. Tôi thấy như vậy cũng hay", một bác lái xe gần quán cho hay.