Người đàn ông đẩy xe lăn trong nước ngập.
Nguồn ảnh: internet
Khi mà mọi thông tin được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, chúng ta rất ấn tượng với bức hình một người đàn ông khuyết tật đẩy chiếc xe lăn trong làn nước ngập, bất lực khi phương tiện đi lại, mưu sinh của họ bị vô hiệu hóa trong dòng nước bẩn.
Sự bất lực của người dân mỗi khi có mưa lớn gây ngập lụt.
Nguồn ảnh: Internet
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Từ trước đến giờ, chúng ta đã có quá nhiều chuyên gia nói về sự vĩ mô của công cuộc chống ngập: Do quy hoạch, do đô thị hóa, do chính quyền chưa quyết liệt… Thế nhưng, tất cả những điều ấy không làm cho cơn mưa sắp đến bớt ngập hơn, mà chỉ làm cho người dân dắt xe đi trong màn mưa thêm bực bội.
Rác thải của người dân bịt hết miệng hố ga.
Nguồn ảnh: Internet
Người dân TP. HCM không ai còn lạ với những miệng cống ngập ngụa rác từ sáng đến chiều, từ ngày này sang ngày khác. Không khó bắt gặp hình ảnh những cháu bé vứt vội hộp giấy đựng cá viên chiên, đựng “sữa tươi phát triển trí não” xuống những lỗ cống vốn đã quá tải vì rác kèm theo đó là sự vô tâm, đồng tình của người lớn “vứt nhanh để mẹ chở đi học không muộn”.
Hình ảnh bất lực "kêu trời" của người đàn ông trên xe lăn khi thành phố ngập trong nước.
Nguồn ảnh: internet
Thoát nước sau mưa là bài toán khó không chỉ riêng Việt Nam, các nước phát triển tiên tiến trên thế giới hàng năm cũng không thoát khỏi thử thách này của thiên nhiên khắc nghiệt khi mà lượng mưa năm sau luôn lớn hơn năm trước về cường độ và số lượng.
Giải pháp chống ngập đang được thi công
Một giải pháp thể hiện sự bất lực của công ty thoát nước khi phải bịt miệng cống bằng biểu ngữ ngăn rác (đường Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh
Hàng trăm nghìn tỉ đồng là số tiền chính quyền TP. HCM sẽ phải chi ra cho công cuộc chống ngập trong những năm tới, chi phí này phục vụ cho việc nâng cấp, nạo vét, cải tạo và khai thông các ống cống đang bị bồi đắp bởi rác thải. Tuy nhiên, giả sử thêm vài số “0” sau khoản tiền khổng lồ ấy thì ngập vẫn hoàn ngập khi ý thức của người dân về rác thải không được cải thiện.
Một giải pháp thể hiện sự bất lực của công ty thoát nước khi phải bịt miệng cống bằng biểu ngữ ngăn rác (đường Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh
Nếu chúng ta phản biện rằng rác thải bít miệng cống không phải là một trong những nguyên nhân chính thì bạn và tôi có thể cùng tưởng tượng đến việc yêu cầu 1 người vừa ngậm 1 cái nắp chai bia thi uống nước với một người không ngậm gì trong miệng và nếu may mắn khi trên đời này có một “dị nhân” có thể vừa ngậm nắp chai bia vừa uống nước nhanh hơn người thường thì chính quyền nên mời anh ấy về nghiên cứu thiết kế, cấu tạo khoang miệng diệu kỳ này để áp dụng thiết kế cho hệ thống thoát nước Việt Nam.
Nhưng như thường lệ, “đổ thừa” lúc nào cũng dễ dàng hơn “nhận lỗi”, bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn xả rác thì tại sao đến những năm gần đây mới ngập dữ dội? Đó là bài học của sự tích tụ, một lõi quả táo chỉ mất 2 tháng để phân hủy hoàn toàn nhưng một cái bịch nilon phải mất 50 năm và bỉm trẻ em phải mất 450 năm để thành tro bụi.
Chúng ta cũng biết không phải tất cả người dân đều vô ý thức. Nhưng với dân số hơn 8 triệu người ở thành phố được ví là “hòn ngọc viễn Đông” này, chỉ cần 1/10 trong số ấy thiếu ý thức trong việc xả rác (con số thực tế cao hơn hay thấp hơn thiết nghĩ chúng ta cũng tưởng tượng được mặc dù chẳng ai đi thống kê về vấn đề này) thì các miệng cống ở TP. HCM sẽ chuyển từ chức năng “thoát nước” sang chức năng “ngăn nước”, những họng cống hun hút, thông thoáng sẽ biến thành những thành trì “rác, bọc nilon, bọc giấy” mà nước mưa không thể công phá.