Một Sài Gòn tử tế

29/07/2017   1.305  4.5/5 trong 3 lượt 
 Một Sài Gòn tử tế
Sáng chủ nhật cuối năm, ngồi cà phê suy ngẫm đôi điều. Thường người ta có màu thời trang của năm, kiểu tóc của năm. Mình thì cứ hết một năm lại chọn một chữ gì đó làm chủ đề cho năm mới.

Đôi khi nó khách quan từ tính chất công việc, vì đang ở một độ tuổi nào đó, hay đôi khi chỉ vì cảm tính. Năm mới này – hai chữ “tử tế” nghe rất quen.
Thi thoảng mình tâm sự với tụi nhỏ trong nhà về sự tử tế: mỗi sáng ba đánh thức con dậy, con mở mắt chớp chớp, cười cười: “Con dậy rồi. Cám ơn ba”. Đó là sự tử tế đầu ngày khiến ba rất vui. Bé xíu, dễ ợt – đúng không con? Cả người cho và người nhận đều nghe thích thích.
Hay những lúc con ngồi sau lưng ba chở đi học, uống hết hộp sữa, ba thích nghe con nói ba tắp vô thùng rác công cộng để con bỏ vỏ hộp sữa, không vứt lung tung ngoài đường hay vỉa hè, ba muốn tụi mình tử tế với những người đổ rác và những người đi đường. Lớn lên vẫn thế con nhé!
Chuyện cái hiên nhà để xe cũng vậy con. Khi dựng cái chống xe, phải nghĩ đến người về sau mình một tí. Đi đâu về, người khác cũng lười y chang mình, cũng muốn chống vội chống vàng cái xe máy cho rồi, đặng ngồi sà xuống cái sofa hay nằm ạch ra cái giường cho nó đã – nhưng vướng cái xe dựng chơ chỏng ngay giữa là phải dời tới, xịch lui, thế nào cũng càm ràm, bực bội. Thôi thì mỗi lần đi xe về, chịu khó nhìn trước ngó sau một chút, để gọn gàng, nép sang bên một tí cho người về sau có sẵn chỗ. Nhe con!
Đó là sự tử tế không cần ai biết và không cần lời cám ơn, nhưng không mất đi đâu cả con ạ. Nó nằm trong cái gật gù và mỉm cười của người biết cảm nhận ở phía sau lưng con. Con sẽ thấy đẹp lắm hai chữ CHO và NHẬN.
Bước ra khỏi nhà, tụi con thường hỏi ba – sao ba không ngoặc khoá, bóp khoá cửa bên ngoài cho nhanh, mà thò tay vào khoá ngược bên trong chi cho mắc công vậy? Ừ, mắc công tí nhưng để chút mẹ đi, mở cửa cho dễ, khỏi phải thò tay ra ngoài, ngược tay khó mở hơn con. Ba cũng tập sự tử tế mỗi ngày cùng các con đó thôi. Kết thúc một ngày, trước khi ngủ, tụi mình thường chúc nhau ngủ ngon. Mình làm thành thói quen nên không nhận ra nó đầy ắp sự tử tế trong đó thôi con. Mình sẽ học thêm mỗi ngày về sự tử tế với bất kỳ ai, con ạ.
  • Bỏ vỏ hộp sữa đã uống xong vào thùng rác cũng là một sự tử tế.

     Bỏ vỏ hộp sữa đã uống xong vào thùng rác cũng là một sự tử tế. Bỏ vỏ hộp sữa đã uống xong vào thùng rác cũng là một sự tử tế.
Làm ngành y mới thấy hai chữ tử tế thấm thía và quan trọng làm sao. Tử tế – để nói năng với bệnh nhân bằng một câu đủ chữ. Tử tế – để trong câu nói của mình có sự ân cần, kiên nhẫn, cảm thông. Tử tế – để trong cái nhìn của mình có sự ấm áp, thấu hiểu, sẻ chia. Chừng đó đủ làm người bệnh thấy tâm an, yêu cái sức khoẻ của mình hơn. Nghe đơn giản thế thôi nhưng cái tử tế để mỗi ngày bạn đến bên giường bệnh buông vài câu hỏi han, khám bệnh tận tình chu đáo, chỉnh lại thuốc men điều trị, rà lại kết quả xét nghiệm, đọc thêm một chút trong sách về những gì chưa rõ, cân nhắc những gì cần chỉ định, những gì thừa, tốn kém – liệu có dễ không? Chỉ có mỗi một người biết – chính là bạn. Mang cái nghiệp làm thầy thuốc rồi thì hãy tận tâm lo cho người bệnh. Đừng bao giờ biến cái ống nghe thành một thứ trang điểm, một đạo cụ chỉ để bạn choàng trên cổ – vô vị lắm! Và nữa, thỉnh thoảng nhớ bỏ vài phút để điện thoại hỏi thăm bệnh tình của một bệnh nhân nặng đã xuất viện về nhà – đó là sự tử tế và món quà vô giá đối với người bệnh. Chỉ vài câu nói của bạn ở đầu dây bên này đã lập tức trở thành một liều thuốc vô giá phía đầu dây bên kia. Vậy nên đừng hà tiện. Có lúc bạn tán gẫu với bạn bè vài chục phút được mà!
20 năm làm trong ngành y, chợt nghĩ đến câu: Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền. Cái hình ảnh ấy đẹp thật nhưng nếu nói thêm về hai chữ tử tế thì xem ra dễ hiểu, dễ ngấm hơn. Mình mà đứng trên bục giảng thì mình sẽ bổ sung thêm bằng hai chữ “tử tế” và những câu chuyện đời thường, có thể các thầy thuốc tương lai dễ tiếp thu hơn chăng?
Nói cho cùng, sống với nghề này, ngoài tri thức và kinh nghiệm, cái cần có là sự tử tế với bệnh nhân, tử tế với đồng nghiệp. Cái tử tế trong đời thường phải có trước thì nó mới lững thững bước vào bệnh viện được. Nó sẽ thành cái văn hoá phòng khám, văn hoá bệnh viện và văn hoá ngành y. Hãy bớt đi cái khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Những lời nói cộc cằn, lạnh lùng, to tiếng chỉ tạo ra khoảng cách giữa bạn và người bệnh, chứ có nâng bạn lên cao thêm đâu!
Mình viết văn cũng tự nhủ mỗi con chữ cũng phải tử tế, phải mang lại sự ấm áp trong lòng người đọc, thi thoảng có tiếng cười khúc khích dễ thương, có lúc là những giọt nước mắt hạnh phúc hoặc vì người đọc tìm thấy sự đồng cảm. Mỗi một tản văn, mỗi một bài viết đừng nhằm để phô trương, tự nhủ – chỉ là những lá thư gửi đi những thông điệp tử tế trong cuộc sống này.
Những ca khúc sáng tác cũng vậy, hãy mang nhiều tâm trạng khác nhau đến những tâm hồn khác nhau. Những ca khúc khoác lên mình cái âm thanh tươi tắn để mang đến niềm vui, hân hoan; những âm thanh sâu lắng để đồng cảm với những nỗi buồn, niềm đau, để người nghe yêu cha mẹ hơn, yêu mảnh đất và con người hơn, sống tử tế hơn. Viết nhạc cũng cần lắm sự tử tế. Tử tế để bảo tồn cái truyền thống, tử tế thổi thêm cái hiện đại vào cái cũ. Một ca khúc tử tế có sự chăm chút của cả nhạc và lời, hoà quyện vào nhau, không cẩu thả. Mình hay nhắc bọn trẻ con ở nhà: con học nhạc nhiều, yêu nhạc và sau này lớn lên sẽ viết nhạc. Nhớ rằng nếu con có dùng dăm ba câu thơ của bạn bè, hay có khi chỉ là một cái tựa cho bài hát của mình, thì nhớ để tên bạn mình vào đồng tác giả. Đó là sự tử tế, trung thực và trân trọng.
Dù bạn làm gì – một ông bác sĩ hay một nhà văn, một nhạc sĩ, một thầy giáo, hay một người bình thường làm bất kỳ ngành nghề gì – nếu bạn tử tế,  bạn sẽ chạm được vào trái tim của người khác – và bạn sẽ còn mãi.
Nhiều lúc ngẫm – tử tế cũng như mớ rau ruộng của bà cụ ngồi bán trong chợ sớm mai thôi mà, có đắt đỏ như những thứ nữ trang lấp lánh đâu. Vậy mà có lúc đi khắp chợ kiếm hoài không ra một mớ rau ấy.
Tử tế ẩn hiện đâu đó trong cuộc sống hàng ngày – thoang thoảng như mùi cốm mùa thu, thơm như ly càphê sáng vỉa hè, và lấp lánh như màu của mùa Xuân đang về khắp mọi nơi.

Quảng cáo

tiepthithegioi.vn

Người đăng

Nguyễn Hà

Nguyễn Hà

Thích làm những điều mình thích, đi những nơi mình muốn đi, đọc những điều mình muốn đọc


Là thành viên từ ngày: 24/06/2017, đã có 369 bài viết
Website: https://chimcanhcutnho.wordpress.com/

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo