Doanh nghiệp môi giới lên ngôi
Anh Nguyễn Quốc Phong, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM), một trong số nhiều người nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty mới cho biết, trước đây anh làm nhân viên môi giới bất động sản, sau khi tích lũy được chút vốn, cũng như kinh nghiệm và mối quan hệ, anh quyết định thành lập công ty môi giới riêng.
“Nghề này không cần vốn nhiều, có thể khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng công ty, với số lượng nhân viên môi giới là bạn bè rồi hoạt động. Việc hoạt động sẽ dựa trên việc làm đơn vị môi giới F1 hoặc F2. Nghĩa là mỗi khi dự án mới mở bán, công ty sẽ xin bán cùng để hưởng hoa hồng”, anh Phong nói.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, những doanh nghiệp mới thành lập tập trung chủ yếu ở các quận như Gò Vấp, quận 1, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân. Trong đó, đa phần là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên với 58,4%, tương đương với 15.558 doanh nghiệp, tiếp theo là công ty TNHH hai thành viên trở lên, chiếm 28,2%, tương đương với 7.515 doanh nghiệp.
“Việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký nhiều, nhưng chiếm 95% vẫn là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản. 5% còn lại là các công ty địa ốc lớn, mở công ty con để phát triển dự án”, ông Ngọc Anh nói.
Việc đua nhau thành lập công ty bất động sản, ông Anh cho rằng, là điều hết sức bình thường, bởi thị trường bất động sản hiện đang phát triển mạnh trở lại. Các chủ đầu tư đang phát triển hàng loạt dự án với hàng ngàn căn hộ. Để bán lượng sản phẩm này, cần một đội ngũ bán hàng lớn, nhưng để nuôi đội quân này, chủ đầu tư sẽ phải mất khoản chi phí khá cao. Do đó, họ sẽ chuyên tâm phát triển dự án, việc bán hàng giao lại cho những doanh nghiệp môi giới.
Đặc biệt, từ năm 2016 tới nay, lượng hàng bất động sản mở bán đa phần ở dòng cao cấp, trong khi thanh khoản dòng sản phẩm này đang chững lại. Do đó, các chủ đầu tư phải ký kết với nhiều doanh nghiệp môi giới để bán hàng cùng lúc, nhằm tạo ra đột phá kinh doanh. Đây chính là lý do thúc đẩy nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản thành lập mới.
“Phong trào khởi nghiệp được Chính phủ phát động, kèm theo tâm lý làm thuê mãi cũng phải có ngày làm chủ, nên với đội ngũ hàng triệu nhân viên môi giới bất động sản hiện nay, thì việc số lượng doanh nghiệp ngành bất động sản thành lập mới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới bất động sản là điều bình thường”, ông Sử Ngọc Anh cho biết.
Vốn FDI tiếp tục đổ bộ
Cũng theo ông Sử Ngọc Anh, không chỉ doanh nghiệp mới thành lập nhiều, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành bất động sản của TP.HCM cũng tăng cao. Đặc biệt, dòng vốn này đã dịch chuyển từ các nước Singapore, Nhật Bản,
Hàn Quốc, sang các nhà đầu tư Mỹ khi nhà đầu tư Mỹ đã vươn lên đứng đầu trong số các nhà đầu tư FDI tại TP.HCM.
Cụ thể, theo ông Anh, trong 8 tháng, có 515 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 788,19 triệu USD. Ngoài ra, Thành phố còn chấp thuận cho 1.418 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn góp đăng ký đạt 1,85 tỷ USD. Trong đó, Mỹ đứng đầu với vốn đầu tư chiếm 31,1% (249,28 triệu USD), sau đó là Singaponre với 17% (136 triệu USD)… Trong đó, vốn FDI vào bất động sản chiếm 15,4%, tương đương 123,22 triệu USD.
“Dòng vốn dự kiến sẽ đổ bộ vào thị trường nhiều hơn ở những tháng cuối năm, bởi Thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, nhà đầu tư được đăng ký đầu tư trực tuyến. Kết quả bước đầu đã có 1.084 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến
thành công trong 8 tháng qua, dự kiến con số này sẽ đột biến hơn vào những tháng cuối năm”, ông Ngọc Anh cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc doanh nghiệp ngành bất động sản thành lập mới và dòng vốn FDI chảy mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, đây sẽ là đòn bẩy giúp thị trường bứt phá khỏi sức ỳ từ năm 2016 tới nay, đồng thời sẽ có những dự án tốt hơn, tiếp cận khách hàng dễ hơn.
Tuy nhiên, ông Châu cảnh báo rằng, với việc doanh nghiệp kinh doanh ngành bất động sản thành lập quá nhiều và đa phần là lĩnh vực môi giới, chính quyền cần có sự cảnh giác cao độ, bởi nếu để bủng nổ quá nhanh, sẽ không tốt cho sự ổn định của thị trường. Đơn cử, để có doanh thu, các doanh nghiệp ngành môi giới sẽ làm mọi cách bán được hàng, trong đó có những cách bán hàng không tốt, làm cho khách hàng chịu thiệt hại, giảm
niềm tin vào thị trường, vào chủ đầu tư.
“Thời gian qua đã có tình trạng này xảy ra, như việc hai công ty môi giới là Công ty Việt Phát Hưng và Công ty Kim Phát bị khách hàng tố cáo lừa đảo. Hiện vụ việc này đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế về chức vụ (PC 46) điều tra”, ông Châu nói.