Ngày 8/10, HĐND TP HCM khoá IX khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A với công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch.
Theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đề án trong kỳ họp này, đặc biệt là dự án nhà hát, rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ.
Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao.
Phó chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, bởi TP HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Trước đây vào thời Pháp thuộc, TP HCM có ba nhà hát, gồm nhà hát Opera (nay là Nhà hát Thành phố), nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện, chỉ Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các cơ sở khác xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành đã xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn quốc tế.
Ngoài ra, theo ông Liêm, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị mang nét đặc trung.
Báo cáo thẩm tra tờ trình này, ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM) lưu ý, nhà hát phải có thiết kế độc đáo, khu cây xanh liền kề, thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế để thu hút khách du lịch. "UBND thành phố cần chọn nhà thầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng", ông Dũng nói.