Theo Sở GTVT TP.HCM, tuyến buýt sông số 1 có lộ trình đi dọc sông Sài Gòn, bắt đầu từ bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé, quận 1) kết thúc tại bến Linh Đông (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) và ngược lại.
Trước kia tuyến buýt sông số 1 sẽ đi qua 9 bến nhưng nay tăng thêm 3 bến là bến Thủ Thiêm (khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2), bến Trường Thọ (quận 9), riêng bến Tân Cảng (quận 2) phải có nhà đậu xe. 7 bến nữa là Sài Gòn Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh), Bình An (phường Bình An, quận 2), Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2), Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh), Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), Bình Triệu và Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).
Thời gian di chuyển từ bến đầu đến bến cuối dài 12km khoảng 30 phút (chưa tính ra vào bến), rút ngắn 1/3
thời gian xe buýt đường bộ trên cùng một lộ trình, với giá vé 15.000 đồng/người/lượt.
Trong quá trình hoàn thiện sẽ có 1 tàu chạy thử nghiệm ra vào 5 bến: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông.
Theo ghi nhận của phóng viên, những bến này đã có trạm cho tàu cập vào, đường dẫn lên xuống và đang hoàn thiện các hạng mục trên bờ có nhiều chức năng phục vụ mỹ quan đô thị từ mảng xanh, nhà vệ sinh, điểm giữ xe… để phục vụ hành khách.
Khảo sát các bến này, chúng tôi thấy nhiều bến nằm ngoài mặt tiền đường rất thuận tiện cho hành khách sử dụng tàu buýt sông như bến Bạch Đằng, Bình An. Riêng bến Thanh Đa nằm sâu trong cư xá Thanh Đa từ ngoài đường vào khoảng 1km, bến Hiệp Bình Chánh đi Phạm Văn Đồng vào đường 25 đến đường số 10 mới đến, bến Linh Đông nằm cuối đường số 36 nhưng từ đầu đường Kha Vạn Cân đi vào cũng hơn 1km.
Tuy nhiên, buýt đường sông cần phải kết nối với xe buýt đường bộ để nhiều người đi hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Nhưng nhiều bến xe buýt sông nằm cách xa trục đường chính khiến nhiều người ngại đi xa.
Bên cạnh đó, tuyến buýt sông sẽ lợi thế phát triển du lịch. Bởi các tuyến du lịch đường sông hiện nay có giá quá cao, tuyến buýt sông có giá bình dân sẽ thu hút nhiều công ty du lịch đưa khách trong và ngoài nước lên tàu để tham quan cảnh sông nước TP.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, chạy vận hành kỹ thuật để thử nghiệm đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Trong thời gian này, chủ đầu tư tiếp tục nhanh chóng thi công các hạng mục còn lại và khắc phục những lỗi kỹ thuật trên tàu.
Đồng thời, sở đã giao cho Trung tâm Điều hành và Quản lý vận tải hành khách công cộng phối hợp với chủ đầu tư để khảo sát đưa xe buýt đường bộ đi vào bên trong bến thủy để phục vụ hành khách đi tàu buýt sông.
Nếu hạ tầng đáp ứng được sẽ điều chỉnh nắn tuyến để xe buýt đường bộ đi vào.
Đối với những đường nhỏ thì chủ đầu tư phải có xe buýt nhỏ hoặc xe điện để đưa đón khách ra ngoài trạm xe buýt đường bộ.
Theo một chuyên gia giao thông nhận định, hiện hạ tầng giao thông đang phát triển nên đưa tuyến buýt đường sông vào hoạt động là hoàn toàn hợp lý.