Anh Sơn kể cho chúng tôi về câu chuyện của vợ chồng anh
Tôi nhớ mãi cái lần gặp 2 vợ chồng anh Sơn trong căn phòng trọ chật chội nằm sâu trong con hẻm trên đường Bùi Đình Túy. Suốt 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi - 3 con người chẳng ai nói với nhau câu nào. Trong không gian im lặng, chỉ nghe tiếng bút sột soạt trên giấy, thế rồi những câu chuyện cuộc đời từ đó hiện ra. Anh Sơn bắt đầu câu chuyện của mình:
"Anh tên là Sơn, vợ anh tên là Thúy. Vợ chồng anh bị câm điếc bẩm sinh!"
Anh Sơn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của vợ chồng anh bằng cách viết lên giấy.
Tiệm bánh tráng nướng "ông câm" và những người Sài Gòn mến thương
Con hẻm 304 đường Bùi Đình Túy (Bình Thạnh, TP.HCM) từ lâu được mệnh danh là "con hẻm chết". Bởi trong con hẻm này chẳng ai buôn bán, kinh doanh được gì. Không ít người đến thuê mặt bằng, nhưng dăm bữa nửa tháng là đóng cửa vì ế ẩm. Mấy tháng gần đây người ta thấy có vợ chồng "ông câm" đến bán bánh tráng nướng, những tưởng cũng sớm dẹp tiệm, ấy vậy mà khách kéo đến nườm nượp, có hôm xếp hàng dài dài. Người trong xóm mừng bảo nhau: "Ông trời thương ông câm!".
Cô Nga thương hoàn cảnh và nghị lực của hai vợ chồng anh Sơn nên cho họ mượn sân để buôn bán.
Tiệm bánh tráng nướng của anh Sơn nằm trong con hẻm 304 đường Bùi Đình Túy.
Cô Nga (74 tuổi) là người cho vợ chồng ông câm mượn sân để bán bánh tráng nướng, cô kể lại: "Mấy tháng trước có một người phụ nữ câm đem theo tờ giấy và cây viết qua nhà cô để xin mướn mặt bằng buôn bán. Nhìn người phụ nữ ấy khắc khổ nhưng chữ viết thì đẹp lắm, cô cũng hơi bất ngờ. Sau khi biết hoàn cảnh hai vợ chồng đều câm điếc, đang phải nuôi con nhỏ, cô đồng ý cho bán trước nhà và không thu phí. Chỉ yêu cầu sau khi bán xong dọn dẹp sạch sẽ là được".
Vợ chồng thương nhau bởi cái tính hiền lành, chịu khó
Kể từ bữa đó, cứ tầm 4h chiều là vợ chồng "ông câm" kéo xe đến trước nhà cô Nga để bán bánh tráng nướng. Chẳng ai biết họ tên gì, đến từ đâu chỉ biết bánh tráng họ làm rất ngon. Khách mỗi ngày một đông, dần dần người ta quen miệng gọi là tiệm bánh tráng nướng "ông câm".
"Ông câm" tên thật là Lê Trường sơn (42 tuổi, Quãng Ngãi), người vợ là Lê Mộng Thúy (36 tuổi, Đồng Nai). Cả hai đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ quen nhau cách đây 5 năm trong trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở Lái Thiêu. Hồi mới cưới nhau, anh Sơn đi làm công nhân cho một công ty sản xuất móc inox, còn chị Thúy thì đi bán trái cây ở chợ Bà Chiểu. Anh kể: "Thấy vợ hiền lành, chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên anh thương".
Cô Nga bảo từ ngày biết vợ chồng anh Sơn cô biết thêm ngôn ngữ của người khiếm thính.
Mấy năm gần đây công việc nặng nhọc khiến anh Sơn bị đau lưng không thể tiếp tục làm việc. Thế là anh lên youtube tự xem các clip dạy làm bánh tráng nướng, sau 1 tuần thì thành thạo và bắt đầu đi bán.
Người trong xóm ai cũng quý vợ chồng anh Sơn vì tính tình hiền lành lại chăm chí thú làm ăn. Cô Nga tâm sự: "Người ta không nghe được, không nói được, nhưng không trở thành gánh nặng cho xã hội. Vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày để nuôi con nuôi cái. Cô quý điều đó nên giúp được gì trong khả năng là cô giúp, chứ không tính toán gì với vợ chồng nó".
Tấm bảng được một người trong xóm làm tặng anh Sơn.
Nhiều lần cô Nga đứng kế bên để giúp anh Sơn trao đổi với khách, thấy thế anh chủ tiệm in làm tặng anh Sơn tấm bảng có dòng chữ: "Tôi không thể nghe và nói. Vui lòng chỉ tay chọn món". Nhờ vậy mà khách hàng việc bán hàng suôn sẻ hơn trước nhiều. Khách hàng đến chỉ cần chỉ tay order, và tích tắc vài phút là có chiếc bánh tráng nướng nóng hổi thơm ngon.
Khách đến chỉ cần chỉ vào menu là có thể nhanh chóng có bánh nóng hổi.
Hạnh phúc khi biết các con vẫn nghe nói bình thường
Con trai lớn của vợ chồng anh Sơn đã 4 tuổi.
Ông trời lấy đi của vợ chồng anh Sơn âm thanh và tiếng nói, thế nhưng lại tặng cho vợ chồng anh 2 đứa trẻ kháu khỉnh. Con trai lớn của anh Sơn năm nay lên 4 tuổi tên là Lê Minh Quân, con gái nhỏ mới 1 tuổi tên là Lê Ngọc Hà. Cả hai bé may mắn đều nghe nói được. Anh Sơn viết rằng: "Anh lấy tên ca sĩ nổi tiếng đặt cho con, mong rằng các con sẽ có giọng hát hay".
Nhờ được đến trường nên cậu bé lanh lợi hơn trước.
Bình thường ở nhà anh Sơn dạy cho cậu con trai lớn cách múa dấu điệu bộ để trò chuyện với bố mẹ. Việc này khiến việc tập nói của em bé gặp nhiều khó khăn. Mấy cô trong xóm thấy thương nên hướng dẫn anh đưa con đến trường học để bé lanh lợi hơn. Dạo gần đây thằng bé đã có nhiều tiến bộ, nói được nhiều hơn và hoạt bát hơn.
Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vợ chồng anh Sơn thay nhau đưa con đến trường rồi tất bật chuẩn bị buôn bán. Họ luôn cố gắng hết sức bởi không chỉ cho bản thân, mà còn mong muốn hai con không phải thiệt thòi với bạn bè. Để các con không phải tủi thân vì bố mẹ không hoàn hảo như những ông bố bà mẹ khác.
Anh Sơn viết lên giấy: "Anh có 2 mong ước lớn nhất cuộc đời, đó là gia đình luôn hạnh phúc và anh có đủ tiền để mua một ngôi nhà cho các con ở".
Anh Sơn luôn nỗ lực mình để đem đến một tương lai tươi sáng cho các con.
Tôi biết, đằng sau những nụ cười lạc quan ấy là vô vàn gian khó mà anh chị phải trải qua mỗi ngày. Chẳng có hạnh phúc nào trọn vẹn, bởi gánh nặng cơm áo vẫn luôn đè nặng đôi vai. Thế nhưng nhìn giây phút anh chị vui đùa với con trẻ lòng tôi bỗng nhiên ấm áp lạ thường. Có thể cả cuộc đời này anh Sơn và chị Thúy không thể nghe con nói: "Con yêu bố mẹ nhiều lắm!". Nhưng chỉ cần nhìn thấy con vui sống là họ đã mãn nguyện lắm. Hạnh phúc đôi khi đơn sơ vậy thôi!
Trong thế giới không có âm thanh của 2 vợ chồng anh Sơn, thì chính nụ cười của con trẻ là nguồn động lực lớn nhất để họ mạnh mẽ vượt qua tất cả khó khăn.