Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Đã hơn 10 năm trôi qua cũng là chừng đó thời gian anh Lê Ngọc Toàn (38 tuổi, ngụ P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 TP.HCM) mặc kệ nắng mưa khói bụi..., hễ nghe tin kẹt xe ở đâu, anh liền tức tốc lấy xe đạp chạy đến để phân luồng giao thông, giảm kẹt xe cho mọi người, công việc không công cho thiên hạ mà nhiều người thường gọi ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’.
Ngày 13.3, chúng tôi tìm đến chỗ anh Toàn vào buổi chiều gần giờ tan tầm. Anh đang thu dọn vội một số vật dụng sửa xe máy tại góc vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) giao lại cho người quen và chuẩn bị đi làm công việc phân luồng giao thông tại một số điểm nóng kẹt xe trên địa bàn TP.
Nhìn vào màn hình chiếc điện thoại cũ trên tay, anh Toàn nói: “Đã gần 16 giờ 30 rồi, lúc này mọi người chuẩn bị đi làm về, giao thông trên đường kẹt dữ lắm, tôi phải đi ngay mới kịp. Nếu chậm là phương tiện ùn ứ kéo dài có khi đến tối”. Vừa nói xong, anh liền dắt chiếc xe đạp cũ ra, lấy chiếc còi có sợi dây đeo vào cổ và kẹp cây gậy cao su vào xe, rồi cọc cạch lên đường.
Khoảng 10 phút sau, anh đã có mặt tại khu vực vòng xoay Dân Chủ. Đúng vào lúc giờ tan tầm, hàng nghìn người cùng phương tiện tấp nập đổ ra về sau ngày làm việc, khiến giao thông khu vực quanh vòng xoay kẹt cứng.
Thấy vậy, anh liền cho xe đạp lên sát trên vỉa hè và lập tức xuống đường cầm còi thổi và hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng luật, không chen lấn để tránh ùn ứ.
Quả nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau một vài phút có mặt của anh, giao thông qua khu vực cải thiện rõ rệt. Hàng nghìn ô tô, xe máy theo đường Võ Thị Sáu hướng ra vòng xoay Dân Chủ di chuyển ổn định. Lúc này, một phụ nữ đi xe máy bị va quệt ngã nhào xuống đường, lập tức anh Toàn lao đến đỡ người phụ nữ này, dựng xe lên dắt vào lề tránh gây kẹt xe.
Sau 1 giờ điều tiết giao thông tại khu vực, áo anh đã ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt cũng lem luốc bụi đường. Lấy bàn tay kéo áo lau vội gương mặt, anh Toàn chia sẻ: “Nhìn có vẻ cực vậy chứ tôi làm 10 năm nay nên quen rồi, thấy vui và nhẹ nhàng. Nhìn mọi người sau giờ làm có thể điều khiển xe lưu thông ổn định về nhà sớm là tôi phấn khởi hẳn, vì công sức mình bỏ ra cho cộng đồng đã đem lại hiệu quả”.
Đến 18 giờ 50 cùng ngày, người cùng phương tiện lưu thông khu vực vòng xoay Dân Chủ cũng như các giao lộ khác trên địa bàn khu vực trung tâm TP giảm dần, anh Toàn lại dắt chiếc xe đạp chạy về nhà, tạm gác lại công việc quen thuộc.
Hơn 10 năm xuống đường vì bà con
Anh Lê Ngọc Toàn cho biết sinh ra và lớn lên ở P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1). Gia đình đông anh em nhưng mỗi người hiện đã lập gia đình, chỉ còn anh chưa vợ sống với cha đã ngoài 70 tuổi.
Trước đây anh đi theo xe tải của người quen làm nghề bốc vác, rồi anh về làm dân quân tự vệ tại P.Nguyễn Cư Trinh. Lương dân quân tự vệ quá thấp (900.000 đồng/tháng), anh làm được gần 1 năm thì xin nghỉ, mở tiệm sửa xe máy góc đường Trần Hưng Đạo làm việc, kiếm tiền mưu sinh qua ngày để chăm cha.
Năm 2002, trong một lần chạy xe máy đi công việc ở quận Tân Bình, anh bị kẹt xe cả tiếng đồng hồ. Bức xúc vì chẳng ai nhường ai, anh đã dựng xe vào lề đường và điều tiết giải tỏa ách tắc giao thông. Từ đó trở đi, thỉnh thoảng khi đi trên đường, thấy kẹt xe ở đâu anh cũng đứng ra điều tiết phương tiện giúp đỡ mọi người.
Đến đầu năm 2006, một lần đi trên đường Lê Quý Đôn (Q.3) gặp kẹt xe, anh Toàn tiếp tục xuống đường điều tiết giao thông thì gặp anh Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, quê Bình Thuận, có hơn 11 năm điều tiết giao thông) cũng đang cầm gậy cao su phân luồng. Từ đó, anh Toàn và anh Linh đã có nhiều buổi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm điều tiết giao thông giảm kẹt xe và luôn sát cánh bên nhau tại các điểm nóng ùn tắc giao thông hằng ngày, giúp đỡ bà con.
Trừ hai ngày cuối tuần, tầm 16 giờ 30 mỗi ngày, anh Toàn lại ngưng toàn bộ công việc và chạy xe đạp đến các điểm nóng kẹt xe thường xuyên ở khu vực trung tâm TP như: ngã 6 Phù Đổng, vòng xoay công trường Dân Chủ, Cách Mạng Tháng Tám - Trần Văn Đang, Điện Biên Phủ - Pasteur, Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ..., điều tiết giao thông.
“Lúc trước có xe máy, tôi chạy đến những điểm xa hơn nữa để điều tiết phương tiện, nhưng cách đây mấy năm, chiếc xe máy đã bị kẻ gian lấy mất, chưa có tiền mua lại nên tôi đành đi xe đạp. Tôi quen với công việc này quá rồi nên dù gì đi nữa cũng không bỏ việc”, anh Toàn chia sẻ.
Cũng theo anh Toàn, khi mới tham gia điều tiết giao thông, người thân trong gia đình anh không hài lòng và nhiều người trong khu phố cho rằng anh “vô công rồi nghề, đi làm những chuyện dở hơi chẳng giống ai", nhưng anh không quan tâm và kiên trì làm việc đều đặn.
Đến nay, mọi người cũng đã có cái nhìn tích cực về hành động của anh và luôn ủng hộ. Trong lúc làm nghề sửa xe hằng ngày, chiếc radio cũng là kênh thông tin hữu ích giúp anh theo dõi tình hình giao thông trên địa bàn, nếu có điểm kẹt xe, anh sẽ sẵn sàng lên đường.
“Nhiều khi điều tiết giao thông, cũng có nhiều người đi đường thương tình mua nước và bánh mì cho, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không chịu chấp hành luật giao thông, chửi bới, làm tôi rất buồn. Nhưng rồi, nỗi buồn đó cũng qua nhanh và tôi tiếp tục làm việc, tôi xem đó là niềm vui vì có thể giúp đỡ mọi người. Tôi làm việc vì đam mê và không cần gì cả”, anh Toàn nói.