Cây Sài Gòn là ánh sáng, là hơi thở, là nhạc và thơ của không chỉ người Sài Gòn, không chỉ một thế hệ. Phá bỏ cây, xóa sổ công viên, thu hẹp thảm xanh của thành phố này là tắt đi không những ánh sáng của văn minh mà còn xóa đi căn cước, bản sắc của Sài Gòn.
Ba năm trước, người ta đốn ngã hàng cây cao viền xanh công viên Lam Sơn. Thoáng chốc, cái công viên xinh xắn cùng hàng cây trăm năm bất ngờ “bay lên trời”. Và rồi, hàng cây liễu và hồ phun nước duyên dáng trên vòng xoay Lê Lợi – Nguyễn Huệ đột ngột bị phá bỏ.
Người ta “xóa sổ” luôn vòng xoay này để thay vào đó khu vực nhạc nước cho phố đi bộ. Cũng với lý do làm phố đi bộ, hai hàng cây dọc đại lộ Nguyễn Huệ lại bị chặt nốt. Càng thêm kinh ngạc, tòa nhà thương xá Tax đang nhộn nhịp và yên lành bỗng dưng phải đóng cửa để “hóa kiếp”.
Khung cảnh chung quanh ngổn ngang như một bãi chiến trường. Đến nay, phố đi bộ đã xong, ga Metro đang vào giai đoạn cuối nhưng mỗi lần đi qua đây, ai là người yêu Sài Gòn lại không thấy trong mình đau đáu niềm thương nhớ!
Thương lắm, nhớ lắm không chỉ khung cảnh kỷ niệm đầy nét thơ mà còn đau đớn lắm vì mất đi dáng vẻ thiên nhiên được xếp đặt hài hòa giữa phố phường, từ hơn một thế kỷ trước!
Hỡi ôi, đô thị đâu chỉ là phố, là nhà cao cửa rộng, là cao ốc chọc trời. Huống chi, khởi thủy Sài Gòn đã là rừng cây, là sông nước được con người khai phá và tôn tạo từ lúc mở đất cho đến lúc tạo dựng làng mạc, thành quách, phố xá, bến cảng…