Hiện nay, xóm chổi không còn thịnh vượng như xưa, xung quanh khu vực quận 6 giờ chưa tới 20 hộ còn bám trụ với nghề. Vậy mà, những người con xứ Quảng vẫn miệt mài, cần mẫn tạo ra những cây chổi không chỉ để kiếm tiền trang trải
cuộc sống mà họ còn đang cố gắng bám nghề, níu giữ cái nghề truyền thống đang ngày càng mai một dần.
Trước đây con hẻm đường Phạm Phú Thứ thuộc P.4, Q.6 này được gọi là “xóm ruộng”, sau khi có những người Quảng Ngãi tới lập nghiệp và khai sinh ra nghề này thì nó được biết đến với tên khác là xóm “chổi đót”.
Cây đót trên núi mỗi năm chỉ nở vào tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch. Bông đót làm chổi phải cắt khi chúng còn non, xanh và chưa nở hoa. Sau khi phơi khô, đót sẽ chuyển sang màu vàng, xám. Nguyên liệu nhập chủ yếu ở Kom Tum, Gia Lai có khi phải nhập từ Lào.
Nếu như các làng nghề khác dần được thay thế bằng máy thì đối với nghề làm chổi đót, tất cả các công đoạn vẫn phải làm bằng thủ công qua đôi tay của người thợ. Để làm xong 1 cây chổi, phải trải qua khá nhiều công đoạn, người thợ phải tỉ mỉ chăm chút từng thao tác để tạo ra một cây chổi bền và đẹp.
Bó chổi có thể sử dụng bằng dây hoặc kẽm do nhu cầu của ngời tiêu dùng, đây là công đoạn cực nhất vì cần sức khỏe và phải chắc, để cây chổi được bền và sử dụng lâu hơn, hầu hết công đoạn này đều do đàn ông làm.
Theo nhu cầu của khách hàng nên cán chổi dần được thay thế bằng những cán nhựa nhiều màu sắc.
Chị Thảo Trang chia sẻ:
“Công đoạn bện kẽm, chặt đầu đót, đòi hỏi người thợ phải khéo léo và cần mẫn mới có thể làm ra cây chổi đều và đẹp mắt. Trung bình mỗi ngày, trải qua các công đoạn thì mỗi hộ gia đình làm từ 30 đến 40 cây chổi đót”.
Ngày trước, những cây chổi đót, có mặt ở tất cả các con hẻm nhỏ của Sài Gòn qua lời rao “ai mua chổi đi”. Ngoài ra, sản phẩm được thương lái tìm mua, giao đi khắp các tỉnh thành miền Tây như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre...và xuất khẩu đi các nước.