Những khu chợ chỉ người Sài Gòn mới biết

30/08/2018   1.339  4.75/5 trong 2 lượt 
Những khu chợ chỉ người Sài Gòn mới biết
Ngày nay, Sài Gòn được quy hoạch và phát triển không ngừng cho phù hợp với xu hướng toàn cầu, có những con đường, những địa điểm nổi tiếng khắp cả nước với nét riêng “không lẫn vào đâu được” của nó.


Chợ “luộc xe” – thay “áo xe” chỉ trong 30 phút


Có thể nói hầu hết các phụ tùng cũ được bày bán công khai ở khu chợ Tân Thành là đồ trộm cắp, thậm chí loại hàng này còn được bày bán tràn ra đường Hà Tôn Quyền, Phạm Hữu Trí, Dương Tử Giang, Tân Hưng và xung quanh khu vực Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza.
 
Những cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh, người mua chỉ cần dừng xe, nói tên hàng thì người bán chạy đi đâu đó một hồi rồi chìa hàng ra cho khách lựa chọn.
 
Câu nói của một chủ tiệm: Muốn thay chiếc nào tui thay chiếc đó cái một.
Xem qua một lượt, họ nhanh chóng định giá rồi đường ai nấy đi, “cần gì có đó” không hỏi “lăn tăn”.
 

Chợ đồ điện tử – thợ bán còn giỏi hơn cả kỹ sư



Nhật Tảo vốn được mệnh danh là “con phố công nghệ thông tin”. Tại đây, khách hàng có thể tìm thấy tất cả những thứ “hầm bà lằng”, từ cái remote đến nguyên bộ máy vi tính chất lượng cao. Đương nhiên là giá cả cũng “theo thời” chứ không tính theo giá đồng nát đâu nhé.
 
Chợ linh kiện điện tử Nhật Tảo nằm trên đường Nhật Tảo, thuộc phường 7, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ chợ Nhật Tảo đi thẳng theo đường Nhật Tảo về hướng Chợ Lớn, đến ngã tư Nguyễn Kim thì chợ điện tử bắt đầu và kéo dài đến cuối đường, cắt qua đường Lý Thường Kiệt và đường Lý Nam Đế.
 
Nhật Tảo còn là chợ đầu mối của rất nhiều cửa hàng điện tử, vi tính, các phố mua bán linh kiện, máy móc rải rác khắp thành phố Hồ Chí Minh lẫn các tỉnh lân cận muốn “bổ sung vốn liếng”.
 

Vựa hóa chất – muốn chất gì có chất đó


Chợ Kim Biên là một trong những khu chợ lớn của người Hoa, trước đây, khu chợ bao gồm chợ Bình Tây, thương xá Đồng Khánh, thương xá Đại Quang Minh.
 
Mỗi khu chợ ở đây bán những mặt hàng khác nhau, với chợ Kim Biên chủ yếu buôn bán hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, các loại bao bì, túi ni-lông hay những máy móc công nghiệp chế biến.
 
Còn bây giờ thì họ vẫn bán rất nhiều loại hóa chất “hiếm” và “lạ”. Chợ Kim Biên được ví như “kho thuốc độc” trong lòng thành phố với hàng trăm loại hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm,…
 
Trước thông báo sắp phải di dời, các tiểu thương đang loay hoay nên tiếp tục buôn bán hóa chất hay chuyển đổi mặt hàng khác. Một thực tế khác cũng đang diễn ra là bán hóa chất “chui” đang xuất hiện tại nhiều cửa hàng.
 

Phố lồng đèn – cả năm nhộn nhịp 1 mùa


Phố lồng đèn nằm trên con đường Lương Nhữ Học quận 5, TP.HCM, cứ đến dịp Trung Thu mỗi năm là lại đông như trẩy hội. Người dân đến đây mua sắm lồng đèn, đầu lân, trống và chụp hình lưu niệm rất nhiều.
 
Nếu như ban ngày là sự dịu dàng, đằm thắm của con đường với những chiếc đèn lồng được treo bày bán với đủ màu sắc và họa tiết đậm chất cổ. Thì buổi tối là sự nhộn nhịp, tấp nập và rộn ràng của dòng người thăm thú, mua sắm cho dịp Trung Thu.
 

Chợ Hoa Hồ Thị Kỷ



Được mệnh danh là “cao nguyên Langbiang” giữa lòng Sài Gòn, chợ hoa Hồ Thị Kỷ nằm trên con đường cùng tên ở quận 10, Tp.HCM được biết đến là chợ hoa đầu mối lớn nhất thành phố. Hoa ở chợ có xuất xứ chủ yếu từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây, với nhiều loại hoa tươi phong phú về chủng loại lẫn màu sắc.

Tuy có khuyết điểm là không có bãi đậu xe, nhưng bù lại giá bán hoa tại chợ thường rẻ hơn ngoài thị trường, thậm chí chợ vẫn bán hoa với giá sỉ dù khách không mua số lượng nhiều, người bán lại rất nhiệt tình, thân thiện, giá cả cũng phải chăng, vừa túi tiền.
 

Chợ vải bỏ sỉ toàn thành phố


Chợ vải Soái Kình Lâm là một trong những chợ được mệnh danh là nơi chuyên cung cấp vải lớn và lâu đời nhất Sài Thành.
 
Quận 5 được biết đến là thiên đường mua sắm và ăn uống hợp túi tiền của người dân thành phố. Trong đó phải kể đến chợ vải Soái Kình Lâm. Nghe tên gọi có vẻ lạ nhưng nó nằm ngay trung tâm quận 5, nơi buôn bán tấp nập của người dân.

Nếu bạn có ý định mở một sạp vải nhỏ hoặc đầu tư kinh doanh vải có thể ghé Soái Kình Lâm tham khảo giá và mẫu mã. Đối với những ai mua lẻ về may mặc thì cũng được các chủ vải bán với giá ưu đãi.
 
Thay vì mua một áo sơ mi nam ngoài thị trường với giá từ 300.000đ/áo đến 500.000đ/áo thì mua vải giá thấp hơn gấp 10 lần tức 30.000đ/m vải đến 50.000đ/m vải.
 

Thiên đường may mặc giữa Sài Gòn


Khách du lịch hay dân Sài Gòn đến chợ Đại Quang Minh có thể vào bên trong bằng hai cửa khác nhau. Một cửa ở phía đường Châu Văn Liêm, đây được xem là cửa chính và cửa còn lại nằm tại đường Tống Duy Nhân, đây là con đường nhỏ hẹp nối tiếp đường Hải Thượng Lãn Ông và song song với Châu Văn Liêm.
 
Chợ Đại Quang Minh được xem như thiên đường may mặc, do vậy mà không có gì ngạc nhiên khi nó nằm trên một khu vực rộng lớn chứa đủ cho khoảng 600 hộ gia đình kinh doanh lớn và nhỏ.
 
Nguyên liệu liên quan đến may mặc ở đây vô cùng đa dạng và phong phú. Do tính chất còn nhiều hạn chế trong khâu sản xuất trong nước nên các phụ liệu ở đây chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc về nước ta để phân phối sỉ và lẻ cho khách hàng.
 
Với những món đồ chất lượng, người bán thân thiện và những mặt hàng nổi danh lâu đời, chắc chắn Sài Gòn là một trong những thành phố nổi tiếng để ghé thăm nhiều lần, không chỉ với du khách thập phương mà những người dân vốn sinh sống tại đây cũng rất yêu mến thành phố này.

Quảng cáo

Theo yan

Người đăng

Sunshine

Sunshine

Just live :)


Là thành viên từ ngày: 05/07/2017, đã có 340 bài viết

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo, Food City Việt Nam