Vụ xử án "quân pháp bất vị thân" ở Sài Gòn 200 năm trước gây chấn động bởi người bị xử chém là quan Huỳnh Công Lý, giữ chức Phó tổng trấn Gia Định (nắm hầu hết các khu vực miền Nam) - đại thần dày công và là cha vợ vua Minh Mạng.
Ông Lý vốn là võ tướng dưới trướng vua Gia Long và là đại thần từng có nhiều công trạng hiển hách khi huy động 10 vạn người đào kinh Tàu Hủ (lúc trước có tên An Thông Hà) giúp Sài Gòn kết nối với miền Tây bằng đường thủy. Sau khi gả con gái cho hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng sau này), sự nghiệp của ông thăng tiến vượt bậc.
Năm 1818, ông được vua phong chức Phó tổng trấn Gia Định, chỉ dưới quyền Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Hai năm sau Minh Mạng lên ngôi vua, con gái ông được phong Huệ Phi nên uy quyền của ông rất lớn.
Tháng 7 năm 1820 bên nước Chân Lạp có thầy tu tên Kế (sử Việt gọi Sư Kế) vận động những người dân bất mãn tràn sang đánh phá Gia Định. Nhiều tướng nhà Nguyễn được sai đi dẹp nhưng bất thành. Chỉ đến khi ông Lý đem quân đánh mới thắng trận, đồng thời giúp nước Chân Lạp đuổi quân Sư Kế chạy dài.
Tuy lập được công nhưng ngay sau đó ông Lý bị tố cáo có hành vi tham nhũng. Theo đơn khiếu kiện, ông đã lợi dụng chức quyền để vơ vét tiền của dân chúng và của quân lính.
Việc này, sách Đại Nam thực lục chép rằng, trong năm Minh Mạng thứ nhất, phó tổng trấn Huỳnh Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn 10 việc. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên vua.
Vua Minh Mạng tức giận nói với triều thần rằng: "Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng có gì bằng các khanh. Lý nhờ tiên đế cất nhắc, làm đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước".
Sau khi hội bàn, nhà vua cho bắt giam Huỳnh Công Lý, sai Bộ Hình đến Gia Định để tra xét án. Kết cuộc, ngoài số tiền tham nhũng trên 3 vạn quan, lúc ông Lý làm quan ở Huế đã bắt lính xây dựng 3 cửa hàng gạch bên bờ sông Hương để tư lợi. Đình thần luận tội, khép Huỳnh Công Lý vào tội chết.