Vì sao phải xây dinh ?
Theo các tư liệu của Hội trường Thống Nhất và các tài liệu hiện có có thể khẳng định: Nhằm khẳng định sự thống trị của người Pháp trên đất Nam kỳ, chính quyền Pháp mới bàn bạc và đi đến quyết định phải chọn một khu đất cao ở vị trí trung tâm thành phố để xây dựng dinh thự khá uy nghi làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ.
Trong
thời gian Pháp đánh chiếm và bình định Sài Gòn năm 1859, các Thủy sư Đô đốc hải quân Pháp đều làm việc và sống trên các soái hạm thả neo trên sông Sài Gòn. Cho đến ngày 25.2.1861, sau khi hạ được đồn Chí Hòa, Phó Đô đốc Charner đã rời soái hạm lên tổng hành dinh là một lán trại đặt tại trại binh Đồn Đất (nằm ở khoảng giữa thành Gia Định cũ, sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè).
Tháng 12.1861, chuẩn Đô đốc Bonard quyết định cho xây một dinh thự tạm thời để ở và làm việc. Ông chọn vị trí xây dinh ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, trong khuôn viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa). Đây là một ngôi nhà bằng gỗ có thể tháo rời mua từ Singapore, được xem là dinh thự đầu tiên của Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn.
Khi chính quyền Pháp bắt đầu tìm kiếm đề án xây dựng dinh Thống đốc mới thì tình cờ trong một dịp ghé Hồng Kông, chuẩn Đô đốc Ohier và Roze (từng là Thống đốc Nam Kỳ) gặp kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte, người đã thiết kế Tòa Thị chính Hồng Kông. Sau khi về VN, Ohier và Roze đã đề cử Hermitte thiết kế Dinh Thống đốc và được sự chấp thuận của Thống đốc Nam Kỳ La Grandière.
Sau khi đồ án thiết kế của kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte được thông qua, Ngày 23.2.1868, lễ khởi công xây dựng dinh Thống đốc diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp người Pháp, Thống đốc La Grandière long trọng tuyên bố “Không thể nào phủ nhận rằng vùng đất thuộc địa này đang bước vào kỷ nguyên mới thịnh vượng”. Công trình do Sở Công chánh Sài Gòn xây dựng, sử dụng ngân sách Thuộc Địa với dự toán công trình là 4.714.662fr bằng ¼ ngân sách thuộc địa.
Dinh Thống đốc khánh thành vào ngày 25.9.1869 nhưng mãi cho tới năm 1875 mới hoàn tất việc trang trí bởi vì ảnh hưởng của những biến cố chính trị ở nước Pháp, quân đội Pháp thất bại cuộc chiến Pháp Phổ và Napoléon Đệ tam bị bắt. Sau khi xây dựng, dinh thự này có tên là dinh Norodom, bởi mặt tiền nằm ngang đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong một chuyến công tác ghé qua dinh đã viết trong hồi ký Xứ Dông Dương, rằng: "Cảm thấy dường như nó đã bị bỏ hoang từ mười năm trước".