Sài Gòn chỉ hơn 300 năm tuổi một chút mà đã mất đi quá nhiều

17/07/2018   1.383  5/5 trong 1 lượt 
Sài Gòn chỉ hơn 300 năm tuổi một chút mà đã mất đi quá nhiều
Một buổi chiều đẹp trời không mưa giăng giăng ngập đường, ngập cống, ta thử lang thang chợ Sài Gòn. Hầu hết những nơi này đang ồn ào náo nhiệt, kẹt xe liên tục.

Hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM nay chỉ là hoài niệm

Tìm cái chốn có cốt cách Sài Gòn, hãy tìm ở đâu có những ngôi nhà cổ rêu phong còn sót lại...
Viết đến đây tôi chợt nhớ tiền bối Bình Nguyên Lộc 50 năm về trước, khi nhà văn rảo bước ngắm nhìn thành phố ông đang gửi mình trong cuộc mưu sinh.
 
So với Hà Nội, Sài Gòn còn quá trẻ để có những công trình kiến trúc gắn liền với văn hóa và lịch sử nhiều tuổi cổ. Nhưng Sài Gòn đã và đang được nhớ, được yêu, được định hình từ một số ít công trình kiến trúc tạo nên nét duyên dáng rất đặc biệt của “Paris phương Đông”

Những "gương mặt lịch sử"

Khi nhìn mái ngói rêu phong của năm bảy ngôi nhà trong khu cư xá riêng của họ Hui Bon Hoa góc Phó Đức Chính và Nguyễn Văn Sâm, bỗng dưng ông nhớ đến câu thơ Kiều: "Xập xòe én liệng lầu không", để rồi cảm nhận: "Đường Nguyễn Văn Sâm, cư xá họ Hui Bon Hoa có khả năng làm sống dậy quá khứ trăm năm.
 
Là thành phố mới Sài Gòn cũng có được vài xó kẹt nên thơ để an ủi những kẻ đứng đường thường phải thất vọng với những nhà hộp, những ngã tư đường thẳng góc.
 
Một đoạn ngắn của một con phố Sài Gòn giúp ta khám phá thêm được một câu thơ hay. Và chính câu thơ hay đó lại giúp ta khám phá được một xó nên thơ của một thành phố tưởng là không có gì đáng chú ý" (Én liệng lầu không, tạp chí Văn. Xuân Đinh Mùi 1-67).
 
Chiều nhạt nắng, từ nhà chú Hỏa nhìn về phía chợ Bến Thành dập dềnh những tấm bửng che chắn công viên Quách Thị Trang. Cuộc sống hiện đại của TP.HCM tương lai sẽ dần dần xóa đi những công trình cũ - mà mỗi công trình đều gắn với những yếu tố lịch sử và văn hóa kiến trúc.
 
Công viên Quách Thị Trang, thương xá Tax, Passage Eden... ngày xưa từng là tinh hoa văn hóa, kiến trúc, là gương mặt lịch sử của Sài Gòn. Những hàng cây cao của Sài Gòn cũng từng là nguồn cảm hứng cho âm nhạc thi ca.
 
Một thành phố có hơn 300 năm tuổi, số tuổi được tính bằng xương máu của bao thế hệ người yêu nước để giữ cho thành phố những gương mặt kiến trúc đầy hồn cốt Sài Gòn.
 
Thành phố này bây giờ có còn những cảnh cũ người xưa, mái ngói rêu phong để những bậc thức giả đi ngang rồi chợt nhớ những câu thơ xưa? "Cây da chợ Dũi, trốc gốc mất tàn. Tình xưa còn đó. Ngỡ ngàng phồn hoa - Tình đây, không riêng gì tình yêu mà là tình mến thương cảnh vật Sài Gòn cũ" (Bình Nguyên Lộc).
 
Hình ảnh dinh Thượng Thơ xưa

"Trăm năm còn lại những gì?..."

Đi ngang thành phố, giờ còn lại góc phố nào cho câu thơ ký ức? Vùng quá khứ kiến trúc - định hình một gương mặt, một linh hồn của thành phố còn lại những gì?
 
Chỉ hơn 300 năm tuổi một chút mà đã mất đi quá nhiều.
 
Từ thành Quy(1) đã bị vua Minh Mạng hủy bỏ để xây dựng chỉ thành Phụng(2). Thực dân Pháp chiếm Sài Gòn phá tanh bành thành Phụng, xây dựng thành phố mới từ khoảng năm 1860 để định hình một sự bình trị lâu dài.
 
Tuy vậy, người Pháp vẫn còn giữ lại xưởng Chu Sư - tức Thủy trại (nhà Nguyễn xây dựng năm 1775) và đầu tư công nghệ châu Âu để thành xưởng Ba Son hay Arsenal (1860). Khu Ba Son bây giờ đã mất tiêu.
 
Chỉ còn chăng là bài thơ ngắn của Vũ Mộng Long - một người viết văn thiếu nhi. Ông ít làm thơ, nếu có thì chỉ viết về thơ tình chứ nào thèm viết thơ về những nhà máy, còi tàu.
 
Thế mà một ngày đẹp trời nào đó đưa người đẹp đi dọc đường Cường Để - có Nhà Giám tỉnh số 4 khu đất Đường Thành do Nguyễn Trường Tộ vẽ kiến trúc và xây dựng - là công trình xây dựng đầu tiên của thành phố vào năm 1862 rồi khi đi về phía bờ sông Sài Gòn ngắm cảnh, ông chợt nhớ câu ca dao đời thợ đóng tàu: "Gặp nhau chưa kịp trao lời / Kiểng Ba Son vội đổ, rã rời đôi ta".
 
Thế là ông nổi hứng viết về nhà máy Ba Son. "Sáng sớm ra bờ sông / Nhìn về phía Ba Son / Thấy khói tuôn mù mịt / Bỗng yêu dấu Sài Gòn / Biết tại sao anh thích / Những ống khói đen sì / Những hồi còi rền rĩ / Những chuyến tàu đến đi / Tương lai con mình đấy / Em ơi! đất nước nầy / Sắt thép và Nhà máy / Cuộc đời sẽ đổi thay" (Giấc mơ kỹ nghệ hóa, tạp chí Ngàn Khơi 11-1963). Đây có lẽ là bài thơ đầu tiên nhưng lại là cuối cùng viết về một khu đóng tàu lịch sử về độ xưa và độ lớn của vùng Đông Nam Á.
 
Của xưa còn lại chút này. Vậy mà những ngôi nhà rêu phong dáng gạch, màu sắc xây đắp bằng lứa tuổi thời gian xưa cổ đáng lẽ được trân trọng và gìn giữ như ký ức hồn văn hóa của một thành phố dần dần mất đi, để thay thế bằng những căn nhà khối cao chen chúc.
 
Những hàng cây xanh đường Tôn Đức Thắng giờ trụi lủi gốc để trả lời câu thơ của Mường Mán mấy chục năm về trước: "Sài Gòn bao giờ cũng mưa mau / Nên là không phai kịp hết màu / Còn chút màu xanh nào không nhỉ? / Sài Gòn giờ đổi áo thay bâu" (Hỏi thăm Sài Gòn - Trình Bày - 71).
 
Những góc phố mất dần đi vẻ cổ kính bởi những căn nhà hiện đại, cao tầng, che ngang mất những mái ngói rêu phong ngọt ngào đầy hương vị của mưa và nắng.
 
Tìm đâu ra mái nhà rêu phong cũ để cho ta nhớ những câu thơ: "Sài Gòn kinh kỷ phong cương / Quán quân đô hội cầu đường lịch xinh..." (Nguyễn Liên Phương - Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca - 1906).
 
Rồi mai này còn công trình, kiến trúc nào làm sống dậy quá khứ trăm năm? Bây giờ chỉ biết đọc câu thơ: "Trăm năm còn lại những gì?..." để tiếc cho những ngôi nhà, dinh thự cổ bỗng dưng trong một ngày xấu trời không ai mong đợi lệnh trên ban xuống "không còn lý do để tồn tại". Ấy thật là trăm năm còn lại những gì!?
 

Quảng cáo

tuoitre

Người đăng

Sunshine

Sunshine

Just live :)


Là thành viên từ ngày: 05/07/2017, đã có 340 bài viết

Liên kết logo

Tài trợ

  • Văn hóa cà phê Sài Gòn

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo