Dài chưa đầy một cây số nhưng tập trung những cơ sở thương mại, khách sạn, bưu điện đầu tiên của thành phố, đường Đồng Khởi (xưa là Catinat) được xem là con đường nổi tiếng nhất và là linh hồn của Sài Gòn.
Năm 1861 khi quân Pháp chiếm được Sài Gòn, con đường đã có một quá trình dài góp mặt vào sinh hoạt của cư dân. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa, nó được biết đến nhiều vì ở đầu đường - giáp với bờ sông Sài Gòn - từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi (nên còn được gọi là Bến Ngự).
Tuy nhiên, từ trước năm 1865, nó cùng 25 con đường khác chỉ mang số thứ tự kế tiếp nhau, từ 1 đến 26. Đến ngày 1/2/1865, Đề đốc De La Grandière mới đặt tên cho từng con đường một và đường số 16 được đặt là Catinat – tên một vị thống chế người Pháp.
Catinat được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa, tập trung hầu hết các cơ quan quan trọng của chính quyền. Đầu tiên, dinh Thủy sư Đề đốc, cơ quan đầu não của thực dân Pháp tại Viễn Đông được xây dựng ở góc đường Mossard - Gouverneur (nay là Nguyễn Du – Lý Tự Trọng).