Sài Gòn taxi màu xanh dương

16/04/2018   1.429  5/5 trong 1 lượt 
Sài Gòn taxi màu xanh dương
Chữ taxi đã được người Pháp dùng để chỉ xe chở khách từ thập niên 1930. Cuối thập niên 1940, Renault 4CV được nhập cảng vào Sài Gòn để làm phương tiện di chuyển cá nhân.

Taxi quay... tay!

Tuy nhiên phải đến sau 1954, taxi mới trở thành phương tiện dành chở khách. Taxi thời đó bị chết máy thì tài xế phải dùng tay quay maniven (thanh quay) để khởi động máy. Vì vậy, hồi ấy tài xế taxi được gọi là dân “ma ni ven”. Khách cần dùng taxi có thể đến mướn xe ở những bãi đậu - trước Sở Hỏa Xa (đường Hàm Nghi), đường Lê Lai cạnh ga xe lửa Sài Gòn xưa. Sau này đón dọc theo đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, hoặc vẫy tay dừng taxi trên phố.
Năm 1967, xe taxi đa phần là hiệu Renault 4CV (còn gọi là taxi con cóc) của Pháp với thân màu xanh dương đậm, mui màu trắng ngà. Trên mui có hộp mê ca kẻ chữ Taxi màu đỏ, tính tiền bằng đồng hồ ki lô mét. Xe không máy lạnh, không có radio, nhưng thời đó một bước mà lên chiếc xe màu xanh là cũng “oách càng cua” lắm rồi. Người dân rất dễ nhận diện một chiếc taxi vì tất cả taxi đều thống nhất mẫu màu xanh dương đậm dù cho chủ chiếc taxi đó thích màu khác cũng không được làm trái quy định của Tòa Đô chánh. Ngoài taxi thuộc dòng xe Renault 4CV, các dòng xe khác cũng được dùng làm taxi như Peugeot, Simca và Dauphine xuất hiện trên đường phố khoảng giữa thập niên 1960. Hầu hết các xe taxi thời đó đều viết khẩu hiệu tuyên truyền: “Không bỏ rác xuống đường” phía trong mui xe để giữ đường phố sạch đẹp.
Người chủ mua xe nhập cảng về rồi cho người muốn hành nghề lái taxi thuê lại. Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1962 cho biết lúc ấy giá một chiếc taxi mới nhập về là 180.000 đồng, người chủ cho người lái thuê lại với giá 210 đồng/ngày. Giá thuê này do chính quyền quy định, giới chủ xe không được tự quyết định giá cho thuê. 6 năm sau bán xe cũ chủ xe chỉ thu được 50.000. Mỗi tháng chủ xe phải khấu trừ các sắc thuế đóng vào xe taxi, tiền mua phụ tùng tu bổ xe, trả tiền sửa chữa xe sau tai nạn... Năm 1962, Tòa Đô chánh đã cấp 6.580 giấy phép lưu thông nhưng chỉ có khoảng 4.500 chiếc taxi lưu hành vì số giấy phép còn lại đã được trả lại cho nơi cấp. Trong khi đó, Nghiệp đoàn Tài xế taxi đấu tranh đòi các ông bà chủ cho thuê xe taxi giảm xuống chỉ còn 200 đồng/ngày và chấp nhận người lái taxi là công nhân của chủ xe. Tất nhiên là cả hai phía đều không gặp nhau. 
  • Taxi Renault 4CV trên đường phố Sài Gòn xưa

    Taxi Renault 4CV trên đường phố Sài Gòn xưaTaxi Renault 4CV trên đường phố Sài Gòn xưa

    Một thời gian sau để giúp cho tài xế taxi được “hữu sản hóa”, các nhà nhập cảng taxi được bán xe cho tài xế bằng cách trả góp với điều kiện là người mua được một cơ quan lý tài bảo đảm. Tuy nhiên, không phải ai muốn mua xe hơi để chạy taxi đều được cho mượn tiền dễ dàng. Xe lam tương đối rẻ được ngân hàng cho vay dễ hơn. Việc cho vay mua xe taxi đòi hỏi nhiều điều kiện thế chấp khắt khe hơn nhiều. Có người thế chấp nhà cửa, có người phải có số tiền tiết kiệm trong ngân hàng hơn 50% số tiền mượn mua xe.

  • Nhờ taxi lấy được vợ

    Nhờ taxi lấy được vợNhờ taxi lấy được vợ

    Chương trình “hữu sản hóa” đã giúp cho số lượng tài xế có xe tăng lên rõ rệt đến nỗi vào năm 1966 báo Phổ Thông đã viết: “Ở Sài Gòn, dân số 1 triệu rưỡi người, taxi hiện lưu hành 6.000 chiếc thì đổ đồng 250 người dân dùng một taxi. Trong khi ở Paris cứ 360 người dân xài một chiếc, New York 667 người/chiếc, Luân Đôn 1.350 người/chiếc. Vậy mà chờ có khi hàng giờ mới có một chiếc taxi”.
    Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1967 mô tả: “Những năm trước kia túi xủng xoẻng đồng tiền là yên trí, muốn vẫy xe nào lập tức có ngay. Nhưng vào thời buổi Sài Gòn xuất hiện những cô gái diện mini jupe khoác tay ngoại kiều thì chuyện xe cộ cũng bắt đầu thay đổi”. Tài xế taxi đã chê, không thèm rước khách “lô can” - người Việt vì có sự xuất hiện của lính Mỹ. Lính Mỹ chịu “bo”, trả nhiều tiền hơn khách Việt. Mỗi chiếc taxi đều có một cái bảng nhỏ được gọi là “cờ” ghi chữ “Có khách”. Dù xe đang trống nhưng gặp khách Việt, đa phần tài xế giương “cờ” lên. Vậy mà khi thấy khách Mỹ hoặc người có vẻ là “me” Mỹ thì tài xế taxi kéo “cờ” xuống gọi là “bẻ cờ”. Cuối năm 1954, xe taxi bị cấm chở bốn người, rồi không được chạy quá một giờ sáng. Vì vậy lúc ấy đã phát sinh ra một loại xe mới để chở khách về khuya với các thương hiệu như Ford Vedette, Citroen Traction, Peugeot... Xe nhà nhưng chủ nhân đem ra chở khách. Khách trả tiền theo thỏa thuận với tài xế kiêm chủ xe vì xe không có đồng hồ.

    Chú Hai trong xóm của tôi mua lại chiếc xe cũ của chủ mà chú đã từng thuê với giá rẻ rồi gắn thêm radio để phục vụ khách. Đối với những khách hay nói chuyện chính trị thì cho nghe tin thời sự. Còn với những cô cậu đợt sóng mới thì cho nghe nhạc rock and roll, các cụ già thì nghe cải lương, hát bội... Không có khách thì chính radio là người bạn đường làm bớt buồn trong những chuyến xe đêm trên cung đường vắng. Chú Hai không bao giờ từ chối khách nội địa - nhất là những người khách có vẻ như đang phải gặp chuyện cấp cứu đến nhà thương. Còn chuyện đở đẻ cho sản phụ trong xe thì thỉnh thoảng cũng hay gặp. Hy hữu là có lần một sản phụ bị tình nhân bỏ rơi trong đêm mưa được chú đỡ đẻ, sau này đã trở thành thím Hai taxi.
    Đầu những năm 1980, tôi gặp chú đang đậu chiếc xe taxi Renault 4CV tả tơi hoa lá trước Bệnh viện Bình Dân để đón khách. Chú Hai than thở: “Chắc phải bỏ nghề quá vì xe cũ, hư không có phụ tùng thay”. Dần dần những chiếc taxi đậu trước Bệnh viện Bình Dân biến mất vì “lão hóa”. Sau đó, taxi Sài Gòn gần như mất tích một thời gian dài cho đến khi các hãng taxi tư nhân được thành lập.

Quảng cáo

thanhnien

Người đăng

Sunshine

Sunshine

Just live :)


Là thành viên từ ngày: 05/07/2017, đã có 340 bài viết

Liên kết logo

Tài trợ

  • Văn hóa cà phê Sài Gòn

Bài viết khác

Liên kết: Không ngừng học, Tiếng Anh và TUI, Hoàng Bảo Khoa, Mixer, Loa, Siêu thị Vật Liệu Nha Khoa Online, ImmiGo