Cạnh bên là một cánh cổng dẫn vào con ngõ nhỏ có ghi dòng chữ “Đình Ông Súng”.
Lân la dò hỏi những người lớn tuổi thường ngồi uống cà phê cóc mỗi buổi sáng ở khu vực đình Ông Súng thì tôi được biết rằng cái trụ đồng được bọc vải hồng điều chính là “ông Súng”. Tương truyền “ông Súng” là khẩu súng thần công trong đồn Kỳ Hòa đã bị gãy nòng sau cuộc chiến chống thực dân Pháp. Một hôm, người dân địa phương vô tình vớt được dưới lòng kênh khẩu súng thần công gãy nòng trôi dạt đến nơi đây. Người dân tin rằng có sự linh ứng nên đã lập miếu để thờ cúng “ông Súng” từ thế kỷ 19.
Tuy nhiên, cũng có tài liệu nghiên cứu cho rằng căn cứ vào chất liệu, hoa văn của chiếc khánh thờ và cặp liễu đối có niên đại khoảng thế kỷ 19, cũng như nội dung bài vị có tại đình thì đình Ông Súng là nơi thờ phụng Chánh lãnh binh Lê Đường Cung - người từng chiến đấu và hy sinh rất hiển hách tại thôn Chí Hòa ngày xưa.
Đình Ông Súng đang bị ngành văn hóa bỏ quên
Nhân dân cùng thân tộc của viên chánh lãnh binh này đã lập miếu thờ ông ngay trên vùng đất mà ông đã hy sinh và đặt tên là Chí Bửu để qua mắt thực dân Pháp cùng tay sai. Khẩu súng đại bác đã từng vào trận với ông cũng được đưa vào miếu và lâu ngày trở thành một vật thiêng.
Hai truyền thuyết kể trên dù có chút ít dị biệt nhưng điểm đồng nhất là nơi này chính là tấm lòng của người dân nơi đây luôn nhớ đến và tôn thờ những người đã vị quốc vong thân. Có thể đó là một khẩu súng thần công gãy nòng nhưng khẩu súng này đã góp phần diệt nhiều giặc Pháp khi chúng tiến chiếm đồn Kỳ Hòa; hay là Chánh lãnh binh Lê Đình Cung đã chỉ huy quân lính dùng súng thần công này diệt giặc đều là gương hùng của cha ông giữ gìn bờ cõi mà người dân địa phương luôn ghi dấu công ơn.
Một chiếc miếu nhỏ, người ta đốt hương quanh năm. Thoạt đầu chỉ vì tưởng nhớ, dần dần ngôi miếu thờ “ông Súng” đã trở thành oai linh trong
cuộc sống tâm linh của người dân tại đây. Cũng như một số ngôi đình, miếu mạo khác trong TP, người dân lập nên để thờ cúng những liệt sĩ vị quốc vong thân là trước hết. Họ muốn tôn thờ, trả nghĩa ân những người đã mở đường xây dựng và bảo vệ TP này được xứng danh tên Sài Gòn cho tới hôm nay. Như nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong tác phẩm Những bước chân lang thang trên hè phố, đã cho rằng người dân TP Sài Gòn sống chung với mồ mả của những người đi dựng nước, trong những cuộc chiến tranh giữa nhà Nguyễn Gia Miêu và nhà Nguyễn Tây Sơn cũng như chống thực dân Pháp. Nơi đâu chẳng có xương máu tiền nhân. Nơi nào chẳng có dấu tích lịch sử. Từ một ngôi chùa như Khải Tường cho đến đồn Cây Mai, chiến lũy Kỳ Hòa theo cấp độ và quy mô nào chẳng là di tích. Đình Ông Súng cũng như vậy thôi - một di tích của lịch sử. Nhưng từ năm 1984, chính quyền sở tại đã di dời việc thờ cúng từ ngôi đình do dân lập chuyển lên căn gác nhỏ ở hẻm cạnh bên và dựng một cầu thang nhỏ để lên thắp hương cầu nguyện. Nòng súng gãy được dời ra đứng trên lề đường cho gió mưa xâm thực. Có lẽ bà con gần đó thương “ông Súng” đội nắng đội mưa nên hằng ngày cho ông mặc áo hồng điều, còn thắp hương nghi ngút và thi thoảng còn cúng cả cà phê sữa nữa. Còn ngôi đình chính thì được sử dụng làm nhà văn hóa, cửa đóng then gài gần như quanh năm.
Di tích này đáng tự hào cũng như những di tích lịch sử còn lại của các cuộc chiến tranh vệ quốc. Sao ngành văn hóa TP cũng như quận lại lơ là, bỏ quên? Ngay cả vài dòng chữ giới thiệu về ngôi đình và nòng súng cũng chẳng thấy…