Cho đến thời điểm này, so với các địa danh như Hà Nội, Huế, Đà Lạt… thì tạp bút, tùy bút, phóng bút, túy bút ngẫu hứng viết về Sài Gòn, cảm nhận về Sài Gòn vẫn chưa nhiều lắm. Chắc chắn rằng bất kỳ ai chôn nhau cắt rốn tại non sông nước Việt mến yêu cũng đều ước ao được một lần đến Sài Gòn. Và họ đã đến. Để rồi chỉ chạm chân đến vùng đất này dù một giây hoặc một đời, họ cũng đều dành cho nó nhiều tình cảm.
Khi yêu một thành phố mà ta đang sống, bao giờ ta cũng muốn sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố ấy. Để hiểu và thêm yêu Sài Gòn, công chúng cần có nhiều hơn nữa tác phẩm viết về vùng đất này. Mỗi người chọn cho mình một phong cách viết nhằm thể hiện tình yêu dành cho vùng đất khá đặc trưng:
“Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”
(Diệp Minh Tuyền)
Sự “trỗi dậy” của địa danh Sài Gòn trong các tựa sách gần đây ít nhiều cho thấy sức hấp dẫn, quyến rũ của thành phố trẻ này. Và bản thân Sài Gòn đủ sức tạo cảm hứng cho mọi người. Có thể kể đến Sài Gòn dậy mà đi (Lê Văn Nuôi), Ăn vặt Sài Gòn (Chu Thị Hồng Anh - Trần Việt Đức), Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Người tình Sài Gòn (Linh Lê), Sài Gòn đi và nhớ (Nguyễn Ngọc Hà), Ve vãn Sài Gòn (Chị Đẹp)… Nhà văn Sơn Nam khi viết chuyên luận Người Sài Gòn vào năm 1988 từng
khiêm tốn thú nhận: “Dòng đời cuồn cuộn, gặp tảng đá to, trở ngược, nhưng không tù đọng. Làm sao mô tả dòng sông đang chảy ra biển rộng? Làm sao ghi vài nét góp ý về phong cách người Sài Gòn - con người bình thường - mà có thể làm hài lòng người Sài Gòn nhất là giới trẻ”.
Sài Gòn là gì mà khó lý giải đến thế?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Hà sinh ra tại Sài Gòn nên hầu như các tùy bút của chị đều xoay quanh những kỷ niệm của thời niên thiếu: Sài Gòn cà phê, Passage Eden, Bò bía - bánh tráng trộn Sài Gòn, Chợ Nancy, Nhà chú Hỏa… Dù sống ngay tại Sài Gòn nhưng sự thay đổi nhanh chóng của thành phố này khiến chị không khỏi ngỡ ngàng, để rồi một ngày nọ chợt nhận ra: “Giờ ngôi chợ Nancy không còn nữa, tôi như mất người bạn. Sống gần bạn, thỉnh thoảng đi ngang bạn lại không được thấy bạn lần cuối”. Với nhà văn Linh Lê: “Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”; Đàm Hà Phú lại là: “Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó…”.
Đã nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với nhà báo Trần Bạch Đằng, tôi không thể ngờ vì sao tác giả Ván bài lật ngửa, khuôn mặt nghiêm nghị, ít cười lại có thể viết được một câu: “Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Câu thơ thô mộc, giản dị, không uốn éo, khoa ngôn nhưng lại rất thật và cũng rất đúng với tâm trạng của những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn.
Sài Gòn căng tràn sức sống
“Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Trời! Đúng quá! Đừng nhìn đâu xa, tôi nhìn vào chính tôi. Thời sinh viên mỗi lần về quê nghỉ hè, ăn tết mà đến lúc phải khăn gói vào lại Sài Gòn là tôi thở dài sườn sượt cứ như sắp bị đày lên cung trăng. Ngao ngán thở dài bởi tôi phải mất
thời gian làm quen lại với nhịp sống, sinh hoạt của Sài Gòn. Tưởng rằng khó có thể sống được nơi này, vậy mà bây giờ, lúc này, hiện nay đi xa Sài Gòn chỉ dăm ngày là tôi đã thấy nhớ. Cái nhớ ấy mơ hồ chẳng rõ rệt gì. Khó có thể nắm bắt. Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức là “một nỗi nhớ mặn môi”.
Trong tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp, tôi thích đoạn văn này: “Có những thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa vào. Sài Gòn là như thế. Mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình. Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”; và nhà văn Nguyễn Đông Thức “comment”: “Từ ký ức, tôi có vài điều tiếc nhớ. Đường Lê Lợi ngày xưa có một chợ trời sách cũ góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bên phía Sài Gòn Center bây giờ. Thì thôi đủ thứ sách xưa nay thượng vàng hạ cám, kể cả sách báo ngoại văn, giá rẻ bất ngờ - gom từ các trại lính Mỹ, ngày nào cũng tấp nập người lui tới (sau có dời ra đường Đặng Thị Nhu một thời gian). “Đường sách” mỗi năm làm một lần vào trước tết như hiện nay ở đường Mạc Thị Bưởi luôn đông khách, rồi các hội chợ sách hai năm một lần vô cùng nhộn nhịp có vẻ tiếp tục “truyền thống” và cho thấy nhu cầu rất lớn của người Sài Gòn trong thú vui lang thang tìm sách. Phải chi thành phố có quy hoạch hẳn một khu chợ sách cũ nhỉ? Nguyễn Huệ thì có những kiosque bán hoa (ngày xưa tôi hay ra đây mua hoa tặng bạn gái), đồ lưu niệm, tiền xu, bưu thiếp… trên hai dãy tiểu đảo ngăn cách con đường chính và hai con đường phụ hai bên… Đều là những nét văn hóa đẹp. Sài Gòn còn nổi tiếng với những hàng me, hàng dầu trồng dọc hai bên đường từ thời Pháp. Những trái dầu quay tít bay trên đường Lê Quý Đôn, những trái me lúc lỉu trong nắng trên đường Nguyễn Du, Duy Tân…”.
Khi đọc những trang viết này, thấy hiện lên một Sài Gòn của ngày Hôm qua và thấp thoáng đâu đó Sài Gòn của Hôm nay. Đôi khi tôi tự hỏi người nước ngoài biết đến Sài Gòn qua tác phẩm văn học nào của chúng ta? Khoan vội trả lời, ta thử suy nghĩ tại sao mỗi lần đi ngang qua khách sạn Continental du khách lại nhớ đến nhân vật Phượng qua ngòi bút của nhà văn Graham Greene? Mới đây, ngày 20-9-2013 tại đây một tấm bảng đồng được gắn tại căn phòng 307, lầu 2. Chuyện gì vậy? Là gắn tấm bảng đồng cho biết nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn đã có thời gian ở đó.
Sức sống mới ở sài gòn
Đừng quên một sự kiện khác cũng cần được lưu giữ lại, cũng tại lầu 2 khách sạn Continental. Nơi đó, nhà văn tiến bộ Anh Graham Greene đã viết tác phẩm nổi tiếng The quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Ông đã đến Việt Nam lần đầu khoảng năm 1942-1943, sau đó còn quay lại khoảng năm 1951-1953.
Thời gian này, ông ở khách sạn Continental và đã viết tác phẩm nổi tiếng trên tại phòng 214 (lầu 2).
Căn phòng 214 nằm ở góc nhìn ra Nhà hát lớn và đường Đồng Khởi. Vào thập niên 1960, nhiều người yêu thích tác phẩm này đã đến khách sạn Continental để đoán già đoán non ai là nguyên mẫu của nhân vật Phượng. Và tới năm 2002, nó được Hãng phim Giải phóng hợp tác với nước ngoài dựng thành phim. Nếu khôn khéo ta cũng có thể học tập được như người Hà Lan đang kinh doanh khách sạn De Wereld chăng? Bằng tư duy của nhà thơ, kẻ luôn thất bại trên thương trường, khó có thể kiếm được nhiều tiền nhưng tôi trộm nghĩ nếu phục hồi nguyên trạng căn phòng mà nhà văn Graham Greene đã ở thì ít nhiều cũng đạt hiệu quả về quảng bá “thương hiệu” Continental và kinh doanh.
Tại sao lại không nhỉ?
Nhắc lại kỷ niệm xa xưa để gợi nhớ là cần thiết, nhưng chúng ta vẫn mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của một Sài Gòn đang đổi mới. Sài Gòn hôm nay đã khác hoàn toàn so với câu nói phổ thông ngày trước: “Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1...”. Khác như thế nào? Sự lý giải nào cũng mang tính chủ quan. Không hề gì. Mà chính nhờ vậy ta càng có thêm nhiều góc nhìn khác nhau. Thế là đủ cho một tình cảm sâu nặng dành cho Sài Gòn. Để rồi sáng mai lên, trên các nẻo phố phường lại nhộn nhịp một sức sống mới. Sài Gòn là vậy. Buồn đó, vui đó. Mưa trong nắng. Không bi lụy thở than. Không kèn đồng cho niềm vui và cũng không giọt buồn cho ly biệt...