Nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP HCM), quán bún măng vịt này mở cửa từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Theo người chủ, quán chủ động bán ít chứ không phải câu khách hay vì một lý do đặc biệt nào. “Mỗi ngày bán chừng mười mấy hai chục con vịt rồi nghỉ, ai đến trễ có thể quay lại”, cô chủ vừa chặt miếng vịt vừa nói.
Mới 15h15, khách quen đã tìm đến quán, hàng xe bắt đầu chật kín phía trước con ngách nhỏ thông vào nhà. Đúng 15h30, chủ hàng sẽ lần lượt gọi từng khách vào theo thứ tự. Khách ngồi ăn trong phòng, khoảng sân phía trước và vài chỗ trước cửa nhà hàng xóm.
Gian bếp được đặt ngay góc sân. Phục vụ ở quán đều là người trong gia đình, chạy bàn liên tục nhưng có lúc vẫn không xuể vì khách đông.
Theo anh Tâm (ngụ ở quận Gò Vấp), khách quen của quán hơn ba năm nay, thịt vịt ở đây thơm, mềm chứ không có mùi hay dai như nơi khác. “Suốt 3 năm qua, hương vị của món ăn vẫn không thay đổi. Nước lèo được chế biến khéo nên thơm và ngọt đậm đà”, anh Tâm chia sẻ.
Vịt được người ngồi ở bếp chính chặt liên tục, đều tay. Lớp da dính sát vào thịt, ít mỡ. Nước lèo nấu trong veo, hơi ngọt so với người không quen khẩu vị miền Nam.
Thực đơn của quán chỉ có một món là bún măng vịt. Một tô chỉ gồm bún, măng, thịt vịt, nước lèo và hành lá xắt nhỏ.
Khách có thể gọi tô bún đầy đủ hoặc đĩa gỏi vịt trộn có tô bún măng không thịt đi kèm. Dù gọi theo cách nào, món ăn vẫn được phục vụ với chén nước mắm gừng để chấm với vịt và đĩa rau sống gồm các loại như rau muống bào, cải xà lách, giá và rau thơm các loại.
Nếu thích ăn lòng, bạn phải đặt trước vì đây là món yêu thích của nhiều người, rất nhanh “cháy hàng”. Lòng được chế biến kỹ, chín mềm và được xắt miếng vừa ăn. Theo nhiều khách, gỏi ăn kèm còn nhạt nhưng chấm cùng mắm gừng sẽ vừa miệng hơn.
Quán không biển hiệu cũng như lịch bán cụ thể. Thực khách muốn thưởng thức, khoảng 15h cứ dong xe đến hẻm. Nếu thấy bảng “Bún vịt bán trong nhà” thì vào chờ, nếu không thì phải ra về và quay lại vào dịp khác.