Tô hủ tiếu gõ bình dân với da heo, bò viên xắt mỏng
Người Sài Gòn có thể ăn hủ tiếu từ sáng sớm đến tối khuya cũng nhưở mọi điều kiện thời tiết. Từ tô hủ tiếu gõ bình dân chỉ vài lát thịt, bò viên xắt mỏng, chút giá hẹ ở các góc phố khi chiều xuống hay tô hủ tiếu ngồn ngộn những tôm, thịt, lòng… ở các hàng quán cao cấp dập dìu người ăn.
Tô hủ tiếu còn phản ánh tính cách linh hoạt, phóng khoáng của người Nam bộ. Từ Trung Hoa, món ăn này được người Triều Châu du nhập vào nước ta rồi được Việt hóa và biến tấu với vô số phiên bản.
Sợi hủ tiếu mềm của người Hoa được Việt hóa thành hủ tiếu dai. Và nhiều địa phương ở Nam bộ lại có sợi hủ tiếu đặc trưng: hủ tiếu Mỹ Tho sợi nhỏ, dai chắc, hủ tiếu Gò Công sợi to, hơi bở…
Nước lèo cũng được chế biến theo khẩu vị của người Nam bộ với điểm chung là không thể thiếu tôm khô, mực khô (nướng) giúp tăng thêm vị ngọt lịm và mùi thơm phức. Thay vì chỉ có thịt xá xíu xắt lát, tô hủ tiếu của người Việt còn có gan, tim, tôm, mực, trứng cút…
Rau ăn kèm cũng phong phú hơn với rau cần (tây), tần ô, giá, hẹ, nhiều nơi còn thêm bông cải, ngó sen bắt mắt.
Một cách ăn hủ tiếu rất phổ biến là hủ tiếu khô với sợi hủ tiếu trụng qua nước sôi rồi được áo một lớp xốt màu nâu óng ánh theo công thức riêng của từng quán, ăn kèm tôm, gan, tim, mực, thịt bằm, tỏi băm, hành lá, rau xanh và chén nước lèo nóng hổi.