Mì kéo
Món mì kéo tươi được làm ngay tại chỗ trên những chiếc xe đẩy truyền thống của người Hoa, mà ta vẫn thường thấy trên phim ảnh đến nay vẫn còn rất nhiều ở đời thật. Đây cũng là một trong những món ngon Chợ Lớn bạn nhất định phải trải nghiệm khi sang khu vực “Chinatown”.
Có một sự khác biệt lớn giữa mì kéo với những loại mì bạn mua trong chợ hoặc siêu thị đó là bạn sẽ được thưởng thức sợi mì tươi ngon được làm ngay tại chỗ. Cùng với đó, bạn có thể tận mắt thấy màn trình diễn “kungfu mì kéo”, quá trình nhào nặn hoàn toàn bằng tay theo cách truyền thống của người đầu bếp cho ra những sợi mì mềm mại, vàng óng.
Địa chỉ thưởng thức mì kéo:
– Quán mì Thiệu Ký: số 66/5 Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11.
– Mì Kéo Kungfu Khải Ký: 118 Hà Tôn Quyền, Phường 4, Quận 11.
Heo, vịt quay
Nếu bạn hỏi ai đó mua heo, vịt quay ở đâu ngon, chắc chắn họ sẽ chỉ đến Chợ Lớn. Nức tiếng khu chuyên bán heo, vịt quay, suốt con đường Bùi Hữu Nghĩa với hơn 10 tiệm lớn, nhỏ, từ vài chục năm cho đến vài năm tuổi đều có đủ. Vốn là món chỉ chuyên phục vụ cho vua chúa ngày xưa bởi công đoạn chế biến khá cầu kỳ và công phu, nhưng ngày nay bất cứ khi nào – ở đâu bạn vẫn có thể thưởng thức được 2 món này. Đặc biệt vào ngày vía Thần tài, người Sài Gòn nhộn nhịp mua heo, vịt quay về cúng.
Ấy vậy heo, vịt quay cũng có những tiêu chí riêng để làm nổi bật lên tính chất cầu kỳ của món. Một con vịt quay ngon là da phải giòn, áo một màu vàng nâu nhưng phải bóng loáng và bắt mắt, thịt vịt thì phải mềm, cắn vào vẫn còn giữ nước ngọt và độ tươi của thịt. Quan trọng hơn cả là mùi vị khi nêm nếm phải có một mùi thoang thoảng của hoa hồi, bột xá xíu và ngũ vị hương theo bí kíp gia truyền từng nhà. Còn thịt heo quay ngon không chỉ ở những miếng thịt và gia vị ướp, mà còn ngon cả ở lớp da giòn rụm bên ngoài không một ai có thể cưỡng lại được. Ăn kèm với 2 món này là bánh mì, bánh hỏi, bánh bao hấp hoặc bánh bao chiên để tăng thêm cảm giác no.
Bạn có thể ghé mua heo, vịt quay tại:
– Vịt quay Vĩnh Phong: ngay góc đường Bùi Hữu Nghĩa – Phan Văn Trị, Quận 5.
– Vịt Quay Phát Thành: 132 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 7, Quận 5.
Món hủ tiếu
Nói đến hủ tiếu, phải kể đến đó là hủ tiếu sa tế của người Hoa. Những người Hoa gốc Triều Châu chỉ truyền lại nghề cho con cháu, vậy nên kiếm được những quán bán món này khá hiếm ở đây. Thế nhưng nếu thưởng thức một tô hủ tiếu sa tế thì hơn cả tuyệt vời, bởi mùi thơm ngào ngạt, “sực mũi” khó có thể cưỡng lại mỗi khi ngang qua. Cọng hủ tiếu sa tế của người Hoa mềm và bản lớn tựa như cọng phở Bắc trong nước dùng có độ sệt với đủ các vị từ chua, cay, béo, mặn, ngọt. Hủ tiếu sa tế thường ăn kèm với thịt bò hoặc thịt nai làm tái, rắc thêm một ít đậu phộng rang được giã nhuyễn vào, chỉ bấy nhiêu thôi đã làm bạn “đánh chén” ngon lành.
Nơi bán món này phổ biến là quán Quảng Ký với hơn 50 năm tuổi chuẩn gốc Triều Châu tại số 117 Triệu Quang Phục, Phường 11, Quận 5. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến một số nơi khác như hủ tiếu sa tế nai Tô Ký gia truyền, hủ tiếu sa tế Cao Văn Lầu…
Thêm một món hủ tiếu nữa đó là hủ tiếu hồ. Cái tên khá lạ bởi món này có nguồn gốc từ người Tiều. Khác với cọng hủ tiếu sa tế hay hủ tiếu cọng nhỏ – dai của miền Tây, sợi hủ tiếu hồ to dạng hình vuông, lá bánh mỏng mượt, ăn kèm với cải chua cắt nhỏ và bao tử heo, lưỡi heo, huyết… Để thưởng thức tô hủ tiếu hồ chính gốc, bạn phải tìm đến đúng địa chỉ bán là góc đường Gò Công – Gia Phú (Quận 6). Quán mở bán từ sau 12 giờ trưa với mức giá cực bình dân chỉ 25.000 đồng/tô.
Phá lấu
Cùng là một tên gọi nhưng phá lấu của người Tiều khác hẳn với món phá lấu nội tạng heo hay bò được chế biến chung với nước cốt dừa. Họ sử dụng bộ lòng heo cùng tai heo, lưỡi heo, chân gà, tàu hũ chiên, trứng… được nấu trong nồi tẩm ướp ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc và thường được dùng chung với cơm hoặc cháo.
Ngoài cách ăn truyền thống ở trên, món phá lấu của người Tiều càng thêm hấp dẫn khi được “phá cách” kẹp vào ổ bánh mì giòn nóng và ăn kèm nước chấm, dưa cải, kim chi hay củ sen.
Hiện chỉ có một xe bán bánh mì phá lấu Tiều trên đường Nguyễn Trãi với thâm niên hơn 60 năm và đã qua ba thế hệ đó là phá lấu Tâm Ký số 823 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5.
– Mở cửa: 11 – 23h30 hàng ngày.
– Giá của bánh mì phá lấu (15.000 đồng/ổ), phá lấu thập cẩm (270.000 đồng/ký).
Gà, vịt tiềm
Không chỉ phá lấu hay chè mới chế biến chung với các hương vị thảo mộc, món tiềm của người Hoa cũng được sử dụng chúng như một “chất xúc tác” kích thích vị giác của thực khách. Có hai món tiềm nổi tiếng của người Hoa là mì vịt tiềm và gà tiềm thuốc Bắc.
Choáng váng ở mỗi tô mì vịt tiềm chính là đùi vịt to thơm mùi thuốc Bắc. Tùy theo sở thích của mỗi người mà chọn ăn mì nước hay khô. Nhưng với món này, bạn nên ăn khô mới thấy ngon miệng và cũng để cảm nhận trọn vẹn sự dai của từng sợi mì vàng.
Chợ Lớn được xem như “thủ phủ” của món mì vịt tiềm với nhiều điểm bán tập trung có từ hai đến ba hàng, chạy dọc đường Nguyễn Trãi, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Hưng Đạo, Hà Tôn Quyền… Bạn có thể ghé 2 quán tiêu biểu sau đây:
– Hải Ký: 349 – 351 Nguyễn Trãi, Phường 7, Quận 5.
– Mì vịt tiềm Huê Viên: 59C Thuận Kiều, Phường 12, Quận 5.
Hơn cả một món ăn, gà ác tiềm thuốc Bắc còn là một phương thuốc bồi bổ cơ thể cực kỳ hữu dụng. Món ăn này được làm từ gà ác nguyên con (loại gà có da màu đen, lông trắng), sau đó đem hầm với một số vị thuốc Bắc như: nhân sâm, kỷ tử, thục địa, táo tàu và bạch quả,… Với một số người chưa quen, ban đầu sẽ cảm thấy vị khá kỳ vì mùi nồng và nước hơi đắng của các loại thuốc Bắc. Nhưng về thịt gà ác thì lại rất mềm và vô cùng ngọt thịt.
Thưởng thức gà tiềm thuốc Bắc tại:
– Quán 77 – Gà Tiềm Thuốc Bắc: 87 Nguyễn Thi, Phường 13, Quận 5.
– Gà Ác Vĩnh Quý: 464 Trần Hưng Đạo, Phường 2, Quận 5.
Cháo Tiều
Được xem là một trong những món ăn đặc sắc nhất mà vẫn được người Hoa lưu giữ hương vị, cháo Tiều cũng bao gồm những thành phần tương tự như món cháo lòng của người Việt nhưng điểm khác biệt chính là ở cách chế biến. Các thứ đi kèm như lòng, gan, phổi… không nấu cùng cháo mà sẽ đợi khi khách gọi món mới cho vào một tô nhỏ rồi nấu sôi, khuấy đều cùng với cháo trắng.
Bát cháo nóng hổi vừa múc ra, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà từ lòng heo, hòa quyện cùng hương thơm và độ sánh của cháo. Thêm mực, nấm rơm, hành lá, tiêu, gừng, ớt để gia tăng hương vị cho món ăn. Đặc biệt, ăn cháo Tiều không thể thiếu trứng gà, giò cháo quẩy. Hầu hết bạn có thể tìm thấy cháo Tiều ở bất cứ ngóc ngách nào trong khu phố Tàu. Nhưng nếu muốn thưởng thức đúng vị cháo Tiều nhất, bạn hãy thử ghé cháo Tiều cô Út chợ Bàn Cờ (Quận 3) với tuổi thọ 70 năm.
Chè người Hoa
Song hành cùng những món ngon Chợ Lớn, chè người Hoa hay còn gọi là chè Tàu cũng mang một màu sắc riêng biệt, khó nhầm lẫn với những loại chè của vùng miền khác. Không chỉ là một món tráng miệng thông thường, chè Hoa được biết đến như một bài thuốc giúp thanh nhiệt, bổ sung khí huyết cho cơ thể.
Chè khu Chợ Lớn lấy cái ngọt thanh tao của đường phèn làm tiêu chuẩn, chế biến chung với các loại thảo mộc cộng thêm công thức gia truyền của từng quán, những món chè tưởng chừng như khó uống, hóa ra lại thật ngọt ngào, thanh mát.
Bạn có thể nếm thử các món chè Hoa đặc trưng, dễ tìm thấy nhất trong những quán chè như: hột gà trà, chè mè đen, đu đủ tiềm, quy linh cao, củ năng hột gà, chè đậu hũ hạnh nhân, chè bo bo trứng cút hay chè bạch quả.
Thưởng thức chè người Hoa ở các quán lâu đời tại:
– Quán Hà Ký: 138 Châu Văn Liêm, Phường 11, Quận 5.
– Quán Thanh Tâm: 98 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 7, Quận 5.
– Quán Tường Phong: 83 An Điềm, Quận 5.
– Chè Tàu cột điện: nằm giữa 2 căn nhà 476-478 Trần Hưng Đạo, Quận 5.
– Quán Nhà Đèn: 476 – 478 Trần Hưng Đạo B, Quận 5.
Sủi cảo
Nổi tiếng với con đường sủi cảo ở Chợ Lớn, đường Hà Tôn Quyền (Quận 11) luôn là thiên đường cho những ai yêu thích ẩm thực Trung Hoa, hiển nhiên cũng không thể bỏ qua những viên sủi cảo vàng óng với nhân tròn ụ bên trong.
Sủi cảo là một biến thể mới mẻ từ món “vằn thắn” mà người Nam hay đọc chạy là “hoành thánh”. Lớp da bột mì mềm mại và dai dai bọc bên ngoài, bao trọn phần nhân được nêm nếm vừa vị vo tròn bên trong. Nếu hoành thánh là nhân thịt băm thì sủi cảo lại mang vị ngọt từ tôm. Một tô sủi cảo nhỏ bé sẽ làm cho bạn choáng ngợp bởi ngoài sủi cảo bên trong tô còn có cá viên, da heo, mực ngâm tro, rau cải… tưởng chừng như không no nhưng mà “no không tưởng” đấy nhé. Ngoài ra, bạn có thể phối món mì – cảo hoặc gọi một dĩa cảo chiên chấm tương xíu mại lạ miệng nữa nha.
Bạn có thể ghé hai quán sau:
– Sủi Cảo Thiên Thiên: 195 Hà Tôn Quyền, Phường 4, Quận 11.
– Sủi Cảo Ngọc Ý: 187 Hà Tôn Quyền, Phường 4, Quận 11.
Cà phê vợt
Cà phê vợt hay còn có tên gọi khác là cà phê kho – cách pha cà phê bắt nguồn từ người Hoa từ rất lâu ở Sài Gòn, đây cũng được xem như cách pha bình dân của người Hoa thời xưa. Không giống như cà phê phin, cà phê vợt cũng có một nét đặc trưng riêng. Đúng theo tên gọi, điều đặc biệt của cà phê này chính là được pha trong chiếc vợt vải và được kho lên bằng ấm siêu. Cách pha cà phê vợt không mấy phức tạp, nhưng cần chú trọng đến chu trình. Bột cà phê cho vào trong chiếc vợt vải hòa cùng nước sôi để chắc lấy cốt. Sau đó, cà phê sẽ đặt trong những chiếc ấm siêu, đun trên bếp riu riu lửa. Công đoạn này giúp giữ cà phê luôn nóng, nhờ đó cũng giữ cho hương vị cà phê đậm đà và thơm ngon hơn.
Hiện nay ở Sài Gòn có 2 quán vẫn giữ cách pha cà phê vợt hơn nửa đời người, trong đó bạn có thể ghé đến quán cà phê vợt ông Thanh tọa lạc trong hẻm 313 đường Tân Phước kế bên chợ Thiếc (Quận 11). Bất cứ ai đến quán đều nhận ra nét hoài cổ kiến trúc Hoa xưa vẫn còn hiện hữu trong căn nhà. Ở góc bếp nhỏ nơi ông Thanh pha chế cà phê, khói bốc ngun ngút từ ấm siêu kho cà phê được đặt trên bếp củi làm căn nhà ấm áp, thân quen. Chỉ có vài chiếc ghế đẩu gỗ và bàn gỗ, ly cà phê thêm một ít sữa dạng bạc xỉu đựng trong cái ly nhỏ kiểu xưa hay dùng đã khiến khách đến đây như được trải lòng với cuộc sống đời thường.