Chuyện bà Hoa mua đất xây chợ Quảng ở vùng Bảy Hiền
Vào thập niên 1960 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam hội tụ về vùng Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình) ở Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Từ một chốn đất rộng người thưa, vùng Bảy Hiền bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp khi làng dệt phát triển mạnh, trở thành nơi cung cấp vải vóc chính cho thành phố. Như tìm được nơi lý tưởng để an cư lập nghiệp, nhiều gia đình xứ Quảng từ Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi… cũng đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng người Quảng lớn nhất Sài Gòn.
Không chỉ tạo nên làng dệt Bảy Hiền lớn nhất thành phố, những con người đất Quảng còn đem cả nết ăn ở, văn hóa, ẩm thực… đậm chất Quảng về với Sài Gòn. Khi những đặc sản xứ Quảng được vận chuyển vào, các hàng bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều dù thời đó, khách hàng chủ yếu vẫn chỉ là những người gốc Quảng.
Trong số những người sinh sống ở khu Bảy Hiền, có một người phụ nữ tên Hoa, là người gốc Bắc di cư vào Nam từ năm 1954. Yêu nếp sống và ẩm thực xứ Quảng, bà Hoa đã mua miếng đất trũng rồi đổ đất xây nên ngôi chợ, phân lô và cho mọi người thuê để buôn bán. Đến thập niên 70, chợ Bà Hoa đã trở thành một nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản chính gốc Quảng.