Chợ bắp ngã ba Bầu.
Gần một km trên đường Trịnh Thị Miếng (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) có khu chợ chuyên phân phối bắp cho khắp thành phố. Chợ không có tên cụ thể, thường được người dân địa phương gọi là chợ bắp ngã ba Bầu.
Có hơn 20 vựa bắp hoạt động nhộn nhịp
Trên đường, có hơn 20 vựa bắp hoạt động nhộp nhịp cả ngày để cung cấp đủ lượng bắp cho khắp TP HCM cũng như các tỉnh lân cận.
Chợ này hình thành từ khoảng năm 2002
"Chợ này hình thành từ khoảng năm 2002, nhiều người bán ở đây là tiểu thương của chợ Cầu Muối (quận 1) trước kia. Khi chợ Cầu Muối giải tỏa thì họ chuyển về đây, nhập bắp giao mối khắp Sài Gòn", ông A Ly (63 tuổi, người Chăm) giải thích. Bản thân ông cũng có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm bắp.
Mỗi vựa thường thuê xe tải loại khoảng 10 tấn
Mỗi vựa thường thuê xe tải loại khoảng 10 tấn chở bắp từ các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh... đến mỗi ngày, trong nhiều khung giờ khác nhau.
Chợ hoạt động cả ngày
"Chợ hoạt động cả ngày, trong đó nhộn nhịp nhất là khoảng gần trưa và sau 22h. Vựa nào cũng nhập trung bình từ 5 - 10 tấn bắp mỗi ngày, số lượng ít nhiều tùy vào thời vụ, thậm chí có ngày chẳng có xe nào nhập hàng về đây", bà Hằng (62 tuổi, chủ vựa) cho biết.
Bắp được phân loại và bán theo từng bao loại 120 kg
Theo những chủ vựa, khoảng thời gian sau Tết khi bắp vào vụ mùa nên hàng đổ về nhộn nhịp. Trong khi đó, khoảng tháng chín, khi miền Tây vào mùa nước nổi thì cảnh mua bán cũng đìu hiu.
Mỗi ngày tôi trả họ từ 200 - 300.000 đồng tiền công
Mỗi vựa thường thuê khoảng đất rộng cùng gần chục nhân công làm việc cho kịp nhu cầu buôn bán. Bắp sau khi được xe tải chở đến, nhanh chóng được phân loại, cho vào từng giỏ riêng. "Công việc bốc vác vận chuyển thì giao cho nam còn phụ nữ chủ yếu lựa bắp, Mỗi ngày tôi trả họ từ 200 - 300.000 đồng tiền công", bà Đường (chủ vựa) cho biết.
Mặt hàng chủ yếu được bán ở đây là bắp nếp và bắp mỹ.
Thường bắp được chia làm bốn loại. Loại ngon nhất là những bắp to, không quá non hoặc già, hạt đồng đều, vỏ còn tươi xanh... Loại này được bán giá sỉ 3.500 đồng một trái.
Riêng những loại khác tính theo ký với giá khoảng 7.000 đồng một kg
. Tùy theo kích cỡ, độ non già mà giá cũng sẽ rẻ dần theo từng loại. "Trong đó loại bét nhất thường quá non, sâu bệnh, ít hạt... thì người mua hay lấy về cho gia súc ăn. Để phân biệt bắp ngon dở chỉ cần nhìn vào phần râu với vỏ là biết", ông A Ly chia sẻ.
Hầu hết tiểu thương đều ghé đây lấy hàng
"Hơn chục năm nay, ngày nào tôi cũng chạy xe từ quận Thủ Đức lên đây lấy hai bao về luộc bán. Chỗ này là đầu mối bắp lớn nhất thành phố rồi, hầu hết tiểu thương đều ghé đây lấy hàng", chị Vũ Thị Hạnh (40 tuổi) cho hay.
Vỏ, râu bắp cũng được các tiểu thương ở đây gom lại để bán rẻ
Ngoài ra, nhưng phế phẩm như vỏ, râu bắp cũng được các tiểu thương ở đây gom lại để bán rẻ cho người nuôi bò sữa ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Khu chợ lúc nào cũng tấp nập xe ra vào mua bán.
Nhiều người mang xe ba gác để chở bắp đi phân phối cho những tiểu thương khác. Cả ngày, khu chợ lúc nào cũng tấp nập xe ra vào mua bán. Những người nông dân cũng thường trồng theo cách cuốn chiếu, nối tiếp trong suốt chu kỳ khoảng 3 tháng. Vì vậy, sản lượng bắp cung cấp luôn ổn định quanh năm.