Căn cứ vào nhiều tài liệu đáng tin cậy, Đài truyền hình Sài Gòn (THSG) phát sóng lần đầu tiên vào lúc 19 giờ 30 ngày 7.2.1966. Trụ sở của đài đặt tại Trung tâm quốc gia điện ảnh, 15 Thi Sách. Sau, đài chuyển về số 9 Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), trụ sở này tồn tại đến năm 1975 và đã trở thành Đài truyền hình TP.HCM.
Phải được phụ huynh hay chồng đồng ý
Điều rất bất ngờ và cũng có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người là chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Đài THSG đã tổ chức cuộc thi tuyển lựa Hoa hậu truyền hình. Chi tiết này cho thấy sự năng động, sáng tạo: “nhằm mục đích góp phần linh động chương trình phát sóng hằng tuần của đài”; và nhanh nhạy tiếp thu cái mới: “như các đài ngoại quốc thường làm”.
Thời gian cuộc tuyển lựa này diễn ra từ ngày 1.6 - 20.11.1967. Theo điều lệ là vậy, tuy nhiên sau 8 tuần thi, ban tổ chức thông báo cho biết “vì lý do kỹ thuật” nên vòng chung kết diễn ra vào tháng 9.1967.
Về thành phần ban tổ chức, có tất cả 52 người, đứng đầu là ông Đỗ Việt - Giám đốc Nha Vô tuyến truyền hình Sài Gòn. Ngoài ra, còn có 10 người trong ban giám khảo, trong số đó, nay có vài người mà công chúng vẫn còn nhớ đến như nhà văn Bình Nguyên Lộc, tài tử Đoàn Châu Mậu, họa sĩ Lưu Đình Khải - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật… Ban giám khảo chấm 2 phần: “gương mặt” - khi thí sinh mặc áo dài, không đeo nữ trang, không mang tóc giả; “thân hình” - khi thí sinh mặc áo tắm, có thể trang điểm chút đỉnh…
Về phía thí sinh, phải có đơn xin và “Giấy cho phép của cha mẹ hay người giám hộ - nếu chưa chồng dù đã 21 tuổi; hoặc của chồng”. Gửi kèm theo 6 ảnh chân dung 4 x 6 chụp gương mặt; 6 ảnh 9 x 12 chụp nguyên người “mặc áo tắm một miếng che kín”. Khi thí sinh đến nộp đơn, các cô thư ký cuộc thi sẽ cân, đo chiều cao, vòng ngực, eo… để ghi vào đơn. Nay, nhìn qua ảnh các thí sinh, dễ dàng nhận ra áo dài thời ấy dài chấm gót, áo tắm 1 mảnh ôm sát.
Giải thưởng hấp dẫn
Cần phải nói thêm một tính cách rất “chịu chơi” của ban tổ chức: những thí sinh trình diễn ghi hình, sau đó đều được nhận quà của đơn vị tài trợ. Ngay cả “các thí sinh được vào vòng phúc khảo sau khi trình diễn, dù vào chung kết hay không đều được đền bù số tiền là 700 đồng cho các sở phí linh tinh”. Về giải thưởng dành cho người đoạt giải cao nhất: “được cộng tác với Đài THSG”; ngoài cúp vàng, bạc còn có máy vô tuyến truyền hình và các “tặng phẩm giá trị hàng trăm ngàn đồng”.
Số tiền ấy ít hay nhiều? Lật lại sách 1967 Việc từng ngày (NXB Nam Chi tùng thư), ông Đoàn Thêm cho biết giá cả thời ấy: “Ngày 1.5.1967: gạo Nàng Hương giá mỗi ký 40$ (đồng - TN), giá mỗi ký lần lượt thịt heo nạc 220$, bít tết bò 200$, cá thu 200$, gà giò 210$, vịt 90$, rau muống 20$, xà lách Đà Lạt 150$, trứng gà 8$50 mỗi quả, đường trắng 30$/ký, sữa mỗi hộp 30$”. Bấy giờ, “giá chợ đen 1 Mỹ kim xanh 153/155$, 1 Mỹ kim đỏ 117/118$, giá vàng 8.100$ một lượng” (tr.96). Tôi nêu lại vài con số cụ thể trên cũng nhằm nhớ lại thời giá sinh hoạt tại Sài Gòn lúc diễn ra sự kiện văn hóa cách đây tròn nửa thế kỷ. Âu cũng là một liên tưởng thú vị.
Thi hoa hậu trên Đài truyền hình Sài Gòn 50 năm trước
Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Truyền hình năm 1967
Tuy nhiên, với thông tin trên, có thể nhiều người thắc mắc, không rõ thế nào là Mỹ kim xanh và Mỹ kim đỏ? Khi hàng chục vạn lính Mỹ xuất hiện tại miền Nam VN, sự chi tiêu của họ nói chung có ảnh hưởng đến vấn đề thị trường, tài chính và ngoại tệ, do đó, Mỹ cần phải có chính sách đảm bảo an toàn cho đồng đô la (xanh).
“Theo yêu cầu đó, từ năm 1965 Mỹ cho phát hành một loại đô la đặc biệt, in màu đỏ MPC (Military Payment Certificate - Chứng chỉ thanh toán trong quân đội, còn gọi là đô la đỏ) dùng để trả lương cho quân đội. Mệnh giá đô la đỏ và xanh giống nhau. Trong thực tế, đồng đô la đỏ vẫn được mua bán trên thị trường tự do ở miền Nam. Người VN và chính binh lính Mỹ lợi dụng sự ưu tiên của nó để mua bán hàng hóa PX kiếm lời hoặc trao đổi thành ngoại tệ chính thức kiếm lời” (Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1954 - 1975, NXB Tổng hợp TP.HCM - 2007, tr.165).
Trở lại với cuộc tuyển lựa hoa hậu, có một điều khiến tôi bất ngờ là trong ban huấn luyện và mạnh thường quân có mặt hầu hết các nhà may áo dài, ảnh viện và các nhãn hàng đã từng quen thuộc một thời. Có thể nhắc đến như: Nhà may áo dài Sài Gòn, Nhà may áo tắm Phi Phi, Bột ngọt Vị Hương Tố, Hãng guốc Đa Kao, Công ty kỹ nghệ Bình Đông, Nhà hàng Văn Cảnh... Danh sách khá dài, khó có thể liệt kê ra hết. Phải chăng, do cuộc thi đầu tiên, đột phá nên các cơ sở kinh doanh tại Sài Gòn đều hào hứng “đồng hành cùng chương trình”?
Lại thêm một thú vị không kém, khi xem lại các tài liệu về cuộc thi này, tôi đã thấy MC (bấy giờ gọi là xướng ngôn viên) đã vận dụng nhiều ca dao. Chẳng hạn: “Cổ tay em trắng như ngà/Con mắt em liếc như là dao cau/Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. Đấy là ngày xưa, các cụ coi người đẹp là thế đó. Còn ngày nay, người đẹp Hoa hậu truyền hình ra sao, xin các cô cứ tự ý tô điểm nhưng đừng quên sự quyết định của các cụ giám khảo”.
Câu này khiến ta phì cười, chẳng lẽ nhà văn Bình Nguyên Lộc lúc đó mới 53 tuổi, họa sĩ Lưu Đình Khải mới 57 tuổi mà đã lên chức “cụ”? Thiết tưởng cũng là một cách nói dí dỏm thôi.
Về thông tin cuộc tuyển lựa này, có điều lạ là khi tôi hỏi nhiều người vốn am tường về Sài Gòn xưa nhưng hầu hết đều… ngơ ngác, bởi họ không có tài liệu hoặc chưa từng nghe nói đến.
Và cũng thú thật, về cuộc tuyển lựa hoa hậu này, tôi không có thông tin cần thiết để biết cuối cùng giải hoa hậu, á hậu thuộc về thí sinh nào. Biết đâu, sau khi đọc bài báo này, có người bổ sung thêm thì tốt quá. Mong lắm thay.