Xe có mui lợp bằng lá dừa trên đường phố Sài Gòn những năm 1950
Ảnh sưu tầm của Tam Thái
Ngụ cư đất Sài Gòn từ năm 13 tuổi (1973), nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái (gốc Quảng Nam) xem Sài Gòn như đất mẹ thứ hai “không có công sinh nhưng có công dưỡng”. Anh làm triển lãm và
sách ảnh "150 hình bóng Sài Gòn" cũng là một cách đáp nghĩa ân tình này.
Chiều 18-12, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Tam Thái khai mạc triển lãm ảnh và ra mắt sách 150 năm hình bóng Sài Gòn (NXB Trẻ, 2015) tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.
Tại sao là 150 năm? Tác giả chọn mốc thời gian là năm 1863, khi đoàn sứ giả Việt Nam do kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản đến Pháp thương lượng chuộc lại ba tỉnh Nam kỳ và được chụp những bức ảnh đầu tiên, cho đến năm 2013 khi anh hoàn thành quyển sách ảnh của mình. Tam Thái cho biết anh đã mất 10 năm để kể lại câu chuyện Sài Gòn 150 năm bằng ảnh.
Ngoài phần ảnh Tam Thái chụp Sài Gòn từ thập niên 1980 trở lại đây, sách ảnh của Tam Th
ái còn lại hai phần là sưu khảo ảnh Sài Gòn từ thời Pháp thuộc (1863-1953) và hình ảnh Sài Gòn những năm 1950 thuộc sở hữu “độc quyền” của Tam Thái.
Một nông dân ngoại thành Sài Gòn năm 1957
Ảnh sưu tầm của Tam Thái
Ở phần ảnh sưu khảo Sài Gòn thời Pháp thuộc, Tam Thái thể hiện khả năng viết và sưu khảo ảnh. Những bức ảnh được sưu khảo từ bưu thiếp, từ ảnh tư liệu, từ internet... mà chúng ta có thể đã bắt gặp rải rác đâu đó. Nhưng Tam Thái đã làm một việc là thu thập ảnh theo chủ đề, rồi kết hợp bài viết của anh để tạo nên những câu chuyện xuyên suốt.
Đó là những câu chuyện về văn minh kênh xáng, từ quang cảnh đào kênh Chợ Gạo bằng thủ công năm 1876 đến con “quái vật” xáng cạp đất to đùng của Pháp đào mương Sài Gòn năm 1916. Hay câu chuyện nhà thương Sài Gòn với nhà thương Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2) vốn xưa kia được chúa Nguyễn chọn làm đồn binh vì là mỏm đất cao nhất bên sông, sau người Pháp xây nhà thương và mang tên vị bác sĩ Grall có nhiều cống hiến cho y tế Sài Gòn.
Thỉnh thoảng, chúng ta thấy những công trình điện nước cổ có ghi chữ CEE ngày nay còn lại trên phố Sài Gòn, đó là viết tắt của chữ Companie des Eaux et d’Electricité - Công ty Điện nước Sài Gòn được thành lập năm 1900.
Mượn chi tiết này, tác giả kể lại chuyện nước dùng Sài Gòn, từ khi dân gian dùng lu hứng nước mưa cho đến khi người Pháp xây tháp nước bằng sắt rồi bằng ximăng ở vị trí hồ con Rùa hiện nay. Một công trình đẹp được in trên bưu thiếp Sài Gòn thời đó!
Phản chiếu - một bức ảnh về Sài Gòn của Tam Thái được triển lãm
Còn nhiều câu chuyện nữa về Sài Gòn xưa như trang phục dân gian, chợ búa, ghe thuyền, cầu cống... tất cả đều kể lại bằng những nguồn ảnh sinh động.
Ngoài ra, bộ ảnh về Sài Gòn những năm 1950 mà Tam Thái sở hữu độc quyền cũng là một nguồn tư liệu đáng tham khảo. Anh cho biết anh may mắn mua được những cuộn phim của bộ ảnh này vào những năm 1980 từ một người mua bán phế liệu.
“Sài Gòn thời chính quyền Bảo Đại chuyển tiếp qua chính quyền Ngô Đình Diệm, trước khi xây mới một công trình chỉnh trang đô thị gì thì người ta chụp lại nơi cũ, sau đó công trình xây xong thì chụp lại một lần nữa để lưu trữ. Chủ nhân của những thước phim này có lẽ là một viên chức đô thị chế độ cũ, sau chạy ra nước ngoài nên những cuộn phim tư liệu đó lưu lạc đến người bán phế liệu rồi đến tay tôi” - Tam Thái kể lại.
Với 150 năm hình bóng Sài Gòn, NSNA Tam Thái góp thêm một nguồn tư liệu hình ảnh đáng giá trong việc nghiên cứu Sài Gòn xưa.
“Nhiều người có thể viết rất hay về Sài Gòn, nhưng lại không sưu khảo ảnh. Người sưu khảo ảnh thì lại không viết được. Tôi thấy thế mạnh của mình là vừa có sưu khảo ảnh và vừa viết được nên bắt tay làm chuyện này" - Tam Thái nói.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Có những công trình cổ của Sài Gòn đã mất đi với niềm tiếc nuối. Có những công trình mới đã được xây lên, làm thay đổi diện mạo Sài Gòn. Nhưng với chiều dài hàng trăm năm như thế, Sài Gòn luôn có những câu chuyện kể đầy sức hấp dẫn.